Kiến nghị sớm có phụ cấp ưu đãi theo nghề

28/10/2013
Kiến nghị sớm có phụ cấp ưu đãi theo nghề
Ngày 24/10, Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Tư pháp tổ chức, với sự dẫn đầu của Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, đã có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và Bộ Y tế để kiểm tra tình hình thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

Ngày càng được tin tưởng giao thêm nhiệm vụ

Báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Nghị định 55, Bộ Y tế cho biết đã kiện toàn và phát triển Vụ Pháp chế thành Vụ độc lập thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn từ ngày 20/10/2012; chuyển giao nguyên trạng Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng Bộ Y tế về Vụ Pháp chế từ ngày 1/7/2013; thành lập mới và củng cố tổ chức pháp chế tại nhiều đơn vị thuộc Bộ... Đối với các Sở Y tế trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn thống nhất việc thành lập Phòng Pháp chế thuộc Sở. Còn Vụ Pháp chế, NHNN thì được thành lập từ năm 1992. Tính đến hết tháng 7/2013, Vụ Pháp chế gồm 34 cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách và đã hoàn thành việc kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế với 100% cán bộ có trình độ cử nhân luật trở lên.

Trong 2 năm, hoạt động của các tổ chức pháp chế tại hai Bộ, ngành trên đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao đối với công tác xây dựng pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật... Riêng trong việc tham mưu các vấn đề pháp lý cho NHNN và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Vụ Pháp chế - NHNN đã xử lý hơn 900 vụ việc liên quan đến những nhiệm vụ chính của ngành. Trong khi đó, Vụ Pháp chế - Bộ Y tế còn làm tốt nhiệm vụ quản lý việc sử dụng con dấu, theo dõi thực hiện pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân, tham gia ý kiến vào việc xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành Y tế và liên tục được giao thêm một số nhiệm vụ mới.

Còn "bí" ngân sách

Tuy nhiên, các tổ chức pháp chế cũng gặp những khó khăn nhất định trong một số lĩnh vực công tác. Điển hình là NHNN hiện vẫn chưa triển khai công tác pháp điển hệ thống QPPL do quy định của Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL và Nghị định hướng dẫn còn chung chung, khó áp dụng cũng như chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Tư pháp. Đối với ngành Y tế, mô hình tổ chức pháp chế ở địa phương rất khác nhau, có nơi thành lập Phòng Pháp chế, có địa phương thành lập Tổ pháp chế hay thực hiện ghép chức năng pháp chế với thanh tra, với văn phòng, với tổ chức cán bộ hoặc chỉ bố trí chuyên viên kiêm nhiệm làm công tác pháp chế. Vì vậy, lãnh đạo Vụ Pháp chế - Bộ Y tế và NHNN đã đề xuất một số giải pháp tháo gỡ trong quá trình triển khai Nghị định 55, đặc biệt kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính nhanh chóng có hướng dẫn về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế.

Kết luận buổi kiểm tra, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đánh giá cao việc triển khai bài bản, toàn diện Nghị định 55 của NHNN và Bộ Y tế. Tuy nhiên, Thứ trưởng Tụng cũng lưu ý một số vấn đề về công tác tổ chức cán bộ, trong đó Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cần tích cực tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo các Sở thành lập Phòng Pháp chế, bảo đảm thực hiện đúng Nghị định 55. Về hoạt động công tác pháp chế, nhất là trong công tác xây dựng pháp luật, cần đảm bảo chất lượng, đồng bộ, hạn chế "nợ đọng" văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Ghi nhận các đề xuất, kiến nghị, Thứ trưởng Tụng cho biết, Bộ Tư pháp đã và đang chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng và sẽ ban hành sớm quy định về phụ cấp ưu đãi theo nghề, "nhưng hiện còn "bí" vấn đề ngân sách".

Cẩm Vân