Bộ Tư pháp tổ chức họp tư vấn thẩm định dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm

25/10/2013
Sáng ngày 25 tháng 10 năm 2013, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp tư vấn thẩm định dự thảo Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm (sau đây gọi là dự thảo Thông tư liên tịch).

Đại diện đơn vị chủ trì soạn thảo, ông Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp đã trình bày sự cần thiết và thuyết minh về những nội dung chủ yếu của dự thảo Thông tư. Theo đó, dự thảo Thông tư đã quy định chi tiết cơ chế, cách thức xử lý tài sản bảo đảm nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm, giúp hoàn thiện quy trình, chính sách quản lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm, góp phần quan trọng vào mục tiêu hạn chế nợ xấu, tăng khả năng thanh khoản của tài sản bảo đảm và tạo sự ổn định trong hoạt động tín dụng đã được Chính phủ chỉ đạo tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 17/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Ngoài ra, Thông tư là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết những vấn đề còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm như: giải quyết về quyền của bên nhận bảo đảm và sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình tiếp cận, thu hồi tài sản bảo đảm; thủ tục xử lý tài sản bảo đảm, nhất là trong trường hợp không có sự phối hợp của bên bảo đảm, bên giữ tài sản; các quy định về việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm cho người mua, người nhận chính tài sản bảo đảm....

Tại cuộc họp tư vấn thẩm định, các thành viên gồm đại diện của Tòa án nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng phát triển Việt Nam và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính...) đã đưa ra những nhận xét, góp ý về dự thảo Thông tư liên tịch. Các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết phải sớm ban hành Thông tư, nhất là trong bối cảnh nợ xấu và hàng tồn hiện ở mức cao. Các nội dung của Thông tư được đánh giá là phù hợp với các văn bản có giá trị pháp lý cao hơn, lựa chọn được những vấn đề phức tạp, vướng mắc và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm hiện nay. Bên cạnh đó, các thành viên tham dự cuộc họp tư vấn thẩm định cũng đề nghị đơn vị chủ trì soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể hơn một số vấn đề như: Định giá tài sản bảo đảm trong trường hợp nhận chính tài sản bảo đảm; phân định rõ giữa xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng với xử lý tài sản bảo đảm trong thi hành án dân sự; quy định mở rộng, bao quát hơn đối tượng chịu sự điều chỉnh của Thông tư.

Sau phiên họp tư vấn thẩm định, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan sẽ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Thông tư liên tịch để trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký ban hành Thông tư liên tịch trong tháng 11/2013./.

Nguyễn Thị Hoa - Cục Đăng ký GDBĐ