Hội nghị triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp

20/09/2013
Hội nghị triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp
Sáng nay - 20/9, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Luật giám định tư pháp (GĐTP) với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành các cơ quan tiến hành tố tụng TƯ và một số tỉnh, đại diện một số Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 258 ở cấp tỉnh, các tổ chức giám định tư pháp ở các địa phương thuộc khu vực phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra).

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh, “để Luật GĐTP được triển khai thực hiện đầy đủ trong hoạt động tố tụng cũng như trong đời sống xã hội đòi hỏi mỗi cấp bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trước hết cần nhận thức một cách đầy đủ quy định của Luật, đồng thời tích cực triển khai một cách đồng bộ, thống nhất các quy định của Luật trong toàn quốc nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn hoạt động GĐTP thời gian qua, mặt khác góp phần bảo đảm việc phán quyết của Tòa án được kịp thời, khách quan, đúng pháp luật, tạo lập cơ sở cho bước phát triển mới mang tính lâu dài, bền vững về tổ chức và hoạt động GĐTP ở nước ta”.

Luật GĐTP đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 và ngày 29/7/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật GĐTP. Đến nay, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương đều đã ban hành Kế hoạch triển khai Luật GĐTP, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung cơ bản, nội dung mới của Luật GĐTP đến với các đối tượng có liên quan. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng đã được các Bộ, ngành liên quan, ban hành hoặc đang trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo. 

Tổ chức trong lĩnh vực pháp y và pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự tiếp tục được kiện toàn, nhưng các lĩnh vực khác chưa có Bộ, ngành, địa phương thành lập tổ chức GĐTP công lập và cũng chưa thành lập thêm được trung tâm giám định pháp y nào kể từ khi Luật có hiệu lực. Hiện Bộ Tư pháp đã xây dựng phần mềm quản lý tổ chức cá nhân người GĐTP và đã có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc rà soát, lựa chọn và công bố danh sách để phục vụ cho việc quản lý GĐTP cũng như việc trưng cầu, yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Tư pháp mới nhận được kết quả rà soát của 15 Bộ và địa phương.

Theo Bộ Tư pháp, với những kết quả trên, việc triển khai Luật vẫn khá chậm so với kế hoạch. Bên cạnh đó, việc phối kết hợp trong việc triển khai thi hành Luật giữa các Bộ, ngành ở TƯ còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, các Bộ, ngành, địa phương cần đề ra nhiều giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ trong việc triển khai Luật thời gian tới, tập trung vào tuyên truyền, phổ biến quán triệt các nội dung cơ bản của Luật GĐTP, xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật, thực hiện các hoạt động quản lý GĐTP trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương.

Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức GĐTP cũng đã thảo luận về vai trò của GĐTP đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, một số vấn đề về áp dụng Luật GĐTP trong hoạt động xét xử, tình hình cấp phát, sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác chi trả chi phí GĐTP, thuận lợi và khó khăn, giải pháp bảo đảm kinh phí cho các cơ quan điều tra chi trả chi phí GĐTP, thực trạng và phương hướng đổi mới công tác quản lý nhà nước về GĐTP, trong đó có vấn đề thành lập các văn phòng GĐTP ngoài công lập, chế độ, chính sách thu hút giám định viên, quy chế hoạt động cho các giám định viên tư pháp độc lập, trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các quy định của Luật GĐTP… Đồng thời, trao đổi, thảo luận về các giải pháp bảo đảm để các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình theo quy định của Luật GĐTP và các quy định pháp luật liên quan.

H.Giang


Thái Nguyên