Đoàn công tác liên ngành khảo sát thực tiễn đào tạo luật sư tại Hà Lan

17/09/2013
Đoàn công tác liên ngành khảo sát thực tiễn đào tạo luật sư tại Hà Lan
Tiếp theo chuyến công tác tại Anh, Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính làm trưởng đoàn có chuyến công tác tại Hà Lan gặp Liên đoàn Luật sư Hà Lan, hai trường đại học tổng hợp Eramus và Vrieje (Tự do), công ty Luật Knepphout & Kortal (K&K), Hiệp hội Thừa phát lại Hoàng gia và gặp Chủ tịch Liên minh Thừa phát lại quốc tế.

Đào tạo nghề luật sư ở Hà Lan được kết hợp giữa đào tạo pháp luật nội dung truyền thống tại giảng đường với quá trình thực hành nghề bắt buộc tại các Công ty luật trước khi được công nhận là luật sư chính thức và được hành nghề độc lập. Ở Hà Lan có quan niệm rằng, chỉ đào tạo thuần túy tại các trường đại học luật hay  đào tạo thực tiễn là chưa thể toàn diện để trang bị đầy đủ kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc với khách hàng, trang bị đầy đủ ý thức đạo đức nghề nghiệp, và nhiều giá trị khác mà mọi luật sư cần phải có để có thể hành nghề và cộng tác với đồng nghiệp luật sư một cách hiệu quả. Quan điểm này được hình thành từ rất nhiều năm và cho tới nay, tuy có ít nhiều thay đổi song mô hình đào tạo luật sư hành nghề có sự kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo hàn lâm và đào tạo kỹ năng, kết hợp giữa giảng đường và tập sự tại tổ chức hành nghề luật sư vẫn được duy trì và ngày càng được thừa nhận là mô hình đào tạo phù hợp của Hà Lan.

Tại các buổi gặp công ty Luật K&K và Liên đoàn luật sư Hà Lan, Đoàn đã trao đổi về công tác đào tạo luật sư hai nước. Tương tự như hệ thống đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam, sinh viên luật Hà Lan sau khi tốt nghiệp cử nhân luật có thể trở thành luật gia và làm việc cho các cơ quan, tổ chức, văn phòng luật. Tuy nhiên, tại Hà Lan, để được công nhận là luật sư chính thức và có thể mở văn phòng luật riêng hoặc có thể hoạt động như một luật sư độc lập, cử nhân luật cần phải trải qua 3 năm được đào tạo tại cơ sở đào tạo do Liên đoàn luật sư chỉ định kết hợp thực hành nghề tại một văn phòng luật sư mà cử nhân đó được tuyển dụng vào làm việc. Theo quy định mới được thông qua, cử nhân luật sẽ phải trải qua hai kỳ học trong thời gian 3 năm, kỳ đầu tiên được bắt đầu vào tháng 9 hàng năm và kỳ thứ hai bắt đầu vào tháng 3 của năm tiếp theo. Chương trình giảng dạy của Liên đoàn luật sư Hà Lan tổ chức có sự tham gia tích cực của các Trường đại học luật do Liên đoàn lựa chọn. Trong quá trình thực tập nghề 3 năm tại một công ty luật, người được đào tạo đó sẽ được một luật sư có kinh nghiệm hướng dẫn và giám sát việc tập sự.

Công tác đào tạo của Liên đoàn luật sư do Ban Đào tạo của Liên đoàn đảm nhiệm. Có hai hình thức đào tạo, học qua mạng (e-learning) và học trên lớp (class-learning). Về pháp luật nội dung, người học có thể lựa chọn một trong ba lĩnh vực chuyên sâu là dân sự, hình sự hoặc hành chính. Ngoài pháp luật nội dung, cũng không khác với cách tiếp cận đào tạo nghề tại Anh hay nhiều nước khác, hệ thống đào tạo tại Hà Lan cũng chú trọng và tập trung chủ yếu vào đào tạo kỹ năng hành nghề luật sư và đạo đức nghề nghiệp luật sư, trong đó có đạo đức của luật sư trong việc bảo vệ pháp luật, trách nhiệm đối với xã hội và trách nhiệm đối với khách hàng, đặc biệt là trách nhiệm bảo mật thông tin cho khách hàng. Việc thi cử được thực hiện qua mạng, chỉ khi người học qua được kỳ thi này mới có thể được chuyển sang học ở chương trình nâng cao. Chi phí đào tạo luật sư cho chương trình 3 năm khoảng 14,000 Euro. Công ty luật nơi người học làm việc sẽ trả học phí cho người học hoặc người học tự trả học phí. Như vậy, chương trình đào tạo luật sư của Hà Lan được kết hợp rất chặt chẽ giữa thực tập nghề tại công ty luật với đào tạo trên lớp do Liên đoàn Luật sư phối hợp với các cơ sở đào tạo luật do Liên đoàn luật sư lựa chọn giảng dạy. Và chỉ những cử nhân luật được tuyển dụng vào làm việc tại các công ty/văn phòng luật sư mới có điều kiện để tham gia chương trình đào tạo 3 năm và sau khi qua được kỳ thi sát hạch của Liên đoàn luật sư, luật sư tập sự mới được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư chính thức và được hành nghề độc lập.   

Về việc bồi dưỡng thường xuyên cho luật sư, theo quy định của pháp luật Hà Lan, mỗi năm luật sư hành nghề phải đạt được ít nhất 20 điểm, tương đương với 20 giờ tham gia các khóa học tập, bồi dưỡng nghề (kể cả việc tham gia các hội thảo, tọa đàm liên quan đến nghề cũng được tính là thời gian được đào tạo). Liên đoàn Luật sư cũng có quy định về việc nếu luật sư không theo đủ thời lượng học tập bồi dưỡng nghề trong năm, luật sư đó sẽ bị tước chứng chỉ hành nghề. Phía bạn cho rằng, để thực hiện chương trình 123, Việt Nam nên hợp tác trực tiếp với các trường đại học luật và công ty luật là những địa chỉ phù hợp nhất cho hoạt động đào tạo luật sư.

Tại cuộc gặp với Trường Luật Đại học Tổng hợp Erasmus và Trường Luật Đại học tổng hợp Tự do Amsterdam (VU), hai bên đã thảo luận về mục đích, nhu cầu của Chương trình đào tạo và những hoạt động mà VU có thể cung cấp, kể cả đào tạo luật nội dung pháp luật thương mại, kinh doanh và đầu tư quốc tế cũng như các kỹ năng hành nghề. Hiện nay, VU đang đào tạo hơn 3000 sinh viên luật với nhiều chương trình đào tạo ở nhiều cấp độ khác nhau (toàn thời gian, bán thời gian, đào tạo qua hội thảo/tọa đàm, đào tạo tại Hà Lan hoặc cử giảng viên thỉnh giảng đi đào tạo ở nước ngoài). Đại diện VU bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới việc hợp tác cùng Học viện tư pháp và Liên đoàn luật sư Việt Nam tiến hành các chương trình liên kết đào tạo luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế và sẵn sàng tiếp tục trao đổi sâu và cụ thể hơn với Học viện Tư pháp về chương trình đào tạo, giáo trình, đội ngũ giảng viên, đào tạo bổ trợ tiếng Anh, kinh phí, việc cấp chứng chỉ... trong khuôn khổ Đề án 123 của Việt Nam.  

Những thông tin hữu ích về thực tiễn hoạt động đào tạo luật sư tại hai nước cũng như kết quả trao đổi sơ bộ giữa Đoàn và các đối tác tại Anh và Hà Lan sẽ là cơ sở để Bộ Tư pháp triển khai Đề án thành lập thí điểm trung tâm đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế.

Cục Bổ trợ tư pháp - Vụ Hợp tác quốc tế