Tổ chức Hội thảo về thực trạng của Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế trong việc nhận tài sản bảo đảm là động sản

16/09/2013
Ngày 13/9/2013, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo Thực trạng Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế trong việc nhận tài sản bảo đảm là động sản nhằm thúc đẩy việc cho vay có bảo đảm bằng động sản, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu. Hội thảo do TS.Vũ Đức Long (Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm) và ông Jinchang Lai (Trưởng nhóm dự án hạ tầng tài chính khu vực Đông Á và Thái Bình Dương) đồng chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.Vũ Đức Long khẳng định tại các nước có nền kinh tế phát triển thì việc nhận thế chấp tài sản là động sản có vị trí đặc biệt quan trọng trong cán cân cho vay của các ngân hàng. Điều này không chỉ giúp nền kinh tế không bị phục thuộc vào thị trường bất động sản, mà còn giúp giải phóng năng lực của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính vì vậy, việc hoàn thiện khung pháp luật về cho vay dựa trên tài sản thế chấp là động sản đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay để duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.

Báo cáo dẫn đề tại Hội thảo, ông Hồ Quang Huy (Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm) đã phân tích những bất cập trong các quy định hiện hành của pháp luật và thực trạng việc nhận bảo đảm bằng động sản tại Việt Nam, đặc biệt là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh và quyền đòi nợ. Từ đó, ông Huy đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy việc nhận bảo đảm bằng động sản, trong đó tập trung vào (i) những khía cạnh mà các chủ thể của hợp đồng cần đặc biệt lưu ý để hạn chế thấp nhất những rủi ro pháp lý khi nhận bảo đảm bằng động sản và (ii) một số giải pháp hoàn thiện thể chế, pháp luật về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hội thảo cũng đã nghe ông Lê Thanh Hải - Phó Trưởng phòng phụ trách phòng Quản lý và hỗ trợ tín dụng thuộc HD Bank và ông Phạm Gia Quý - Chánh tòa kinh tế, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh trình bày tham luận về những khó khăn, vướng mắc trong việc nhận bảo đảm bằng động sản nhìn từ góc độ các tổ chức tín dụng và cơ quan xét xử. Ngoài ra, bằng kinh nghiệm của mình, GS Xuân - Thảo Nguyễn, Trường Luật Dedman, Đại học SMU, Hoa Kỳ đã trình bày kinh nghiệm và tập quán tốt của quốc tế trong việc thúc đẩy sự phát triển hoạt động cho vay có bảo đảm bằng động sản.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tích cực trao đổi, thảo luận về chủ đề nêu trên và nhận thấy các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng khai thác tốt hơn giá trị kinh tế của động sản, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện đang đóng băng và đa số các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ./.

 Nguyễn Hoàng Hà - Cục Đăng ký GDBĐ