“Chở” tình thân Tư pháp ra biển đảo quê hương

15/09/2013
“Chở” tình thân Tư pháp ra biển đảo quê hương
Ngày 14/9, trong chuyến  thăm và làm việc tại miền Trung, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường và Đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã đến với huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Trong chuyến đi về với miền đất “tiền tiêu” của Tổ quốc lần này, Bộ trưởng đã trao tặng nhà, ti vi, máy tính… cho những hộ dân nghèo và một số đơn vị sự nghiệp trên huyện đảo Lý Sơn. Đây là một trong những hoạt động thiết thực “hướng về biển đảo quê hương”.

“Chạm tay vào lịch sử, nghe thôi thúc hành động”

Đến Lý Sơn, Bộ trưởng và Đoàn công tác Bộ Tư pháp được lãnh đạo chính quyền nơi đây đưa đi thăm chùa Hang, vốn là một hang đá lớn nằm trong lòng núi Thới Lới, hình thành từ nham thạch của núi lửa thời tiền sử, hướng ra Biển Đông.

Đoàn còn được đi thăm Bảo tàng Hoàng Sa - nơi trưng bày những hiện vật khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những chiếc thuyền câu, văn bản cổ, những vật dụng của Đội Hùng binh Hoàng Sa năm xưa… được giới thiệu đến Đoàn công tác, để một lần nữa hiểu rõ hơn về lịch sử của miền đất đảo “tiền tiêu”, về lịch sử kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Sau khi được tận mắt chứng kiến những hình ảnh lưu giữ quá khứ hào hùng của dân tộc, Bộ trưởng không khỏi bồi hồi, xúc động. Tự tay Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã viết vào cuốn nhật ký lưu tại Bảo tàng Hoàng Sa những dòng cảm xúc: “Lý Sơn - Đến với mảnh đất này, tôi càng tự hào về truyền thống đấu tranh của cha ông. Thêm một lần chạm tay vào lịch sử, tôi tự hứa, trên cương vị của mình sẽ nỗ lực hơn nữa để góp một phần công sức vào công cuộc xây dựng đất nước nói chung và phát triển vùng biển đảo nói riêng này”.

Ngoài ra, Đoàn công tác được tham quan nơi diễn ra Lễ “Khao lề Thế lính” Hoàng Sa - một lễ hội truyền thống tiêu biểu, đặc trưng chỉ có duy nhất ở Lý Sơn. Bộ trưởng nghiêng mình kính cẩn bên vong hồn những dân binh Hoàng Sa bỏ mình trên biển; cùng thắp nén nhang cầu khẩn cho những ngư dân hiện nay được bình an trên những chuyến hàng hải ra khơi; nghe những “sói biển” nơi đây kể lại các câu chuyện nhiều lần đối đầu với “tàu lạ”, song, họ vẫn ngày đêm quyết bám thuyền, nhằm khẳng định độc lập chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Chiều cùng ngày, Đoàn công tác có buổi làm việc với lãnh đạo UBND, HĐND huyện. Ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện đã báo cáo sơ  lược với Đoàn công tác về tình hình kinh tế, xã hội 9 tháng đầu năm 2013. Theo đó, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế đạt gần 320 tỉ đồng, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị nông nghiệp (chủ yếu là hành, tỏi, ngô) đạt gần 18 tỉ đồng, tăng gần 80% so với năm 2012; giá trị thủy sản đạt 154 tỉ, tăng 7,5% so với cùng kỳ..; tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 59 tỉ đồng...

Những con số này đã cho thấy sự tăng trưởng mỗi ngày của huyện đảo Lý Sơn, thế nhưng so với sự phát triển chung của nhiều huyện trên cả nước, nơi đây vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Do đặc thù vị trí địa lý, thời tiết khắc nghiệt, hơn nữa, tình trạng ngư dân trong những năm qua thường xuyên bị tàu cá nước ngoài bắt, đập phá tài sản… kéo theo đời sống người dân còn nghèo khổ, cái đói mỗi ngày vẫn hiện hữu…

Riêng đối với hoạt động tư pháp, dù thiếu thốn nhân lực, cơ chế, kinh phí, trang thiết bị hoạt động, song thời gian qua cũng đã góp phần giúp cho UBND huyện Lý Sơn thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát văn bản, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, người dân, đặc biệt là ngư dân đang hoạt động trên các vùng biển thuộc chủ quyền đất nước…

Chung tay vì sự lớn mạnh của biển đảo “tiền tiêu”

Cũng tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã được nghe đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp Quảng Ngãi báo cáo về phong trào “Tư pháp Quảng Ngãi hướng về biển đảo quê hương”. Hoạt động này được Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi phát động vào cuối tháng 1/2013.

Tuy nhiên, qua tổ chức thực hiện, phong trào đã có sức lan tỏa rộng khắp và vượt ra ngoài phạm vi thi đua của ngành Tư pháp Quảng Ngãi, sau đó được đổi tên thành “Ngành Tư pháp hướng về biển đảo quê hương” và trở thành phong trào thi đua chung của ngành Tư pháp trên toàn quốc, đặc biệt đối với các cơ quan tư pháp thuộc Khu vực thi đua duyên hải miền Trung - Tây Nguyên. Đến nay, phong trào đang trên đà về đích nhưng sức lan tỏa vẫn chưa dừng lại. Các cơ quan, tổ chức cả ngoài ngành vẫn đang tiếp tục có những hành động thiết thực đóng góp tham gia.

Sau 8 tháng phát động, đã có 4 gia đình ở Lý Sơn được tặng nhà tình nghĩa, trị giá 50 triệu đồng/căn (trong đó có 2 căn nhà do Báo Pháp luật Việt Nam khởi xướng đầu tiên, 1 căn nhà do Sở Tư pháp Quảng Ngãi và 1 căn nhà do Sở Tư pháp Gia Lai ủng hộ). Những hộ nhận nhà đều thuộc diện nghèo khó, nhà ở dột nát hoặc không có nơi trú ngụ. Cầm số tiền trên tay, ai nấy không khỏi vui mừng, cảm động.

Đặc biệt, trong chuyến về thăm Lý Sơn lần này, Bộ Tư pháp còn tiếp tục tặng thêm 1 căn nhà nữa cho hộ ông Trường Tồn (thôn Đông, xã An Hải, Lý Sơn). Trên khuôn mặt già nua khắc khổ, ông nghẹn ngào: “Đã 73 tuổi đầu, chừ là lần đầu tiên tui  mới có được chỗ chui ra chui vào, không sợ nắng mưa nữa. Nhiều ngày qua, tui vui mừng lắm, mừng đến không ngủ được, cứ trông ngóng, mong mau đến ngày gặp ông Bộ trưởng, để nhận quyết định cho nhà ni đây”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường còn trao tặng 3 ti vi 43 inch cho UBND 3 xã trong huyện, nhằm phục vụ cho sinh hoạt của UBND; trang bị 6 tủ sách pháp luật, mỗi tủ sách hơn 2.000 đầu sách pháp luật cho 3 xã trên đảo, Phòng Tư pháp, Bộ đội Biên phòng và cho Nghiệp đoàn Nghề cá huyện Lý Sơn. Trang bị 5 bộ máy vi tính cho 3 xã, Phòng Tư pháp huyện, Văn phòng HĐND, UBND huyện Lý Sơn và mang từ đất liền ra đảo tặng cho huyện 25 ghế đá đặt tại khuôn viên Bảo tàng cũng như trụ sở UBND huyện.

Ngoài ra, các Sở Tư pháp Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Lạng Sơn... còn trực tiếp đến đảo Lý Sơn trợ giúp pháp lý cho người dân, hỗ trợ pháp luật cho Nghiệp đoàn Nghề cá. Để ghi nhận tinh thần và những đóng góp của phong trào thi đua yêu nước hướng về biển đảo Lý Sơn, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã quyết định tặng Bằng khen cho tập thể Sở Tư pháp Quảng Ngãi.

Nhưng như lời Bộ trưởng Hà Hùng Cường, sau hơn 10 năm tách lập thành huyện đảo, Lý Sơn đã có nhiều đổi thay bởi sự đầu tư của Nhà nước, nguồn đầu tư tại chỗ của nhân dân, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi chưa đủ. Trong chuyến đi lần này, ông mới thấy Lý Sơn đầy tiềm năng song vẫn còn ẩn mình trong hoang sơ, nhất là cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, phương tiện đi lại... Và người dân trên đảo, mới chỉ có sức thôi cũng chưa đủ.

Hơn ai hết, Bộ trưởng ví von rằng, cần phải có thêm một nguồn lực từ bên ngoài “thổi” vào, để Lý Sơn có cơ hội vùng mình vươn dậy, trở thành con sư tử biển dũng mãnh. Trên cương vị công việc của mình, Bộ trưởng hứa với Tư pháp Quảng Ngãi nói chung và Lý Sơn nói riêng, sẽ tạo điều kiện tốt nhất, giúp đỡ cho con em biển đảo được đưa đi học tại Trường Trung cấp Luật (đóng tại Buôn Ma Thuột) để sau này quay về phục vụ quê hương. Chính quyền địa phương  cần nhanh chóng lập danh sách để báo cáo gửi Bộ trưởng trong thời gian sớm nhất.

Tạm biệt Lý Sơn, rời hòn đảo “tiền tiêu” trở về với đất liền trên con tàu khách cao tốc, Bộ trưởng căn dặn: “Vẫn biết rằng trên hòn đảo này còn bao nhiêu việc phải làm, nhưng điều quan trọng hơn, cộng đồng cần phải chung tay cùng các cấp chính quyền trong việc đầu tư phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời giữ và khuyến khích phát triển các nghề truyền thống trong từng hộ dân trên đảo. Có như vậy mới thể hiện tình yêu đối với quê hương, Tổ quốc, giữ gìn chủ quyền biển đảo quốc gia ...

Theo phapluatvn.vn