Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp một số nước trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

27/08/2013
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp một số nước trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
Trong khuôn khổ Chương trình đối tác (IPP), sáng 27/8, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp một số nước trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người” với sự tham gia của đại diện một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, một số cơ sở nghiên cứu, đào tạo và một số cơ quan tư pháp địa phương. Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp chủ trì Tọa đàm.

Quyền con người là phạm trù rất rộng và gắn kết, liên quan tới tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ góc độ pháp luật thì con người là trung tâm trong xây dựng pháp luật, do đó khi nói tới Bộ Tư pháp thì không thể không nói tới các chức năng, nhiệm vụ trong công tác quyền con người. Nghị định số 22/2013/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp không có quy định cụ thể về “quyền con người” hay “quyền công dân”, nhưng khi xét nội dung công việc thì các chức năng chính của Bộ Tư pháp bao gồm xây dựng, thi hành pháp luật và các chức năng khác đều xoay quanh việc bảo vệ và thực thi quyền con người và quyền công dân. Cụ thể: công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế phát huy và bảo vệ quyền con người; công tác thi thi hành án dân sự nhằm bảo đảm thực thi các quyền dân sự của công dân; công tác hành chính tư pháp nhằm đảm bảo thực hiện các quyền nhân thân của công dân như kết hôn, khai sinh, khai tử…

 

 

Phát biểu tại Tọa đàm, Vụ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhận định: mặc dù Bộ Tư pháp thực hiện rất nhiều công việc liên quan tới quyền con người nhưng cho đến nay chưa có nghiên cứu bài bản, hệ thống nào về hoạt động này với tư cách là nhiệm vụ xuyên suốt của Bộ. Vì vậy, Tọa đàm lần này được tổ chức với mong muốn học hỏi kinh nghiệm trong công tác tổ chức, triển khai thực hiện chức năng về quyền con người của Bộ Tư pháp một số nước, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Bộ Tư pháp Việt Nam trong thời gian tới.

 

 

Chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức và hoạt động về quyền con người, ông Rasmus Kieffer-Kristensen, Trưởng Bộ phận tỵ nạn và nhập cư, Bộ Tư pháp Đan Mạch cho biết: Tư pháp Đan Mạch chịu trách nhiệm về toàn bộ hệ thống tư pháp, bao gồm cơ quan cảnh sát, công tố, nhà tù và hệ thống nhập cảnh. Điều này tạo thuận lợi rất lớn cho Bộ trong việc tìm tiếng nói chung trong các vấn đề pháp lý, trong đó có vấn đề nhân quyền. Bộ cũng có một bộ phận chuyên trách riêng về vấn đề nhân quyền với các chuyên gia hàng đầu, có chức năng tư vấn cho Chính phủ các vấn đề về quyền con người; tham gia điều phối các chính sách về quyền con người; tham vấn cho Quốc hội, Chính phủ trong những vấn đề, vụ việc quốc tế về quyền con người; giám sát các cơ quan khác trong thực thi quyền con người… Đặc biệt, Bộ có sự phối hợp rất hiệu quả với các cơ quan, tổ chức hữu quan để thực hiện tốt vai trò và chức năng của mình trong lĩnh vực nhân quyền.

 

 

 

Tại Tọa đàm, các chuyên gia quốc tế và trong nước đã cùng chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm, hiểu biết về vị trí, vai trò, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tư pháp  một số quốc gia khác trong lĩnh vực bảo và thúc đẩy quyền con người, cũng như kinh nghiệm triển khai các hoạt động bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, kinh nghiệm lồng ghép vấn đề bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trong hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các nước, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để có thể áp dụng vào Việt Nam trong thời gian tới.