Tọa đàm “Hợp tác pháp luật Việt Nam - Nhật Bản: Những thành tựu và định hướng phát triển”

26/08/2013
Tọa đàm “Hợp tác pháp luật Việt Nam - Nhật Bản: Những thành tựu và định hướng phát triển”
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, sáng nay - 26/8, Bộ Tư pháp tổ chức tọa đàm “Hợp tác pháp luật Việt Nam – Nhật Bản: Những thành tựu và định hướng phát triển”.

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng chủ trì tọa đàm, cùng sự tham gia của ông Sakai Kunihiko (Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo Bộ Tư pháp Nhật Bản), đại diện Dự án JICA, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn luật sư Việt Nam và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp (PL&TP), nhất là trong chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng PL và đào tạo là một ưu tiên của Đảng, Chính phủ Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan chủ động đẩy mạnh hợp tác về PL&TP để tranh thủ kinh nghiệm của các nước đi trước, trong đó có Nhật Bản. Nhiều đạo luật hiện hành của Việt Nam có sự tham gia, hỗ trợ, đóng góp của các chuyên gia Nhật Bản, thể hiện sự tương đồng về pháp luật giữa hai nước.

Đánh giá về sự đóng góp của Bộ Tư pháp Nhật Bản, JICA nói chung và các chuyên gia Nhật Bản nói riêng trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp của Việt Nam thời gian qua, đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn luật sư Việt Nam một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đều nhất trí rằng, “quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai nước đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên cơ sở mối quan hệ bình đẳng, thân thiện, không kèm theo các điều kiện ràng buộc giữa các bên đối tác”.

Sự hỗ trợ của Nhật Bản được thể hiện qua những kết quả cụ thể trên thực tế qua việc nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành (như Bộ luật Dân sự, Bộ luật tố tụng Dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước), cung cấp thông tin kịp thời về pháp luật trong và ngoài nước, những bài học, kinh nghiệm từ thực tiễn áp dụng pháp luật, qua đó nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ Việt Nam. Hiện, mối quan hệ đã được mở rộng ra giữa các cơ sở đào tạo pháp Việt Nam - Nhật Bản đã giúp Việt Nam “mở rộng nguồn” cán bộ, chuyên gia PL&TP…

Trong thời gian tới, đại diện các cơ quan tư pháp, Liên đoàn luật sư Việt Nam mong muốn, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện thành công các hoạt động hợp tác về PL&TP với “xương sống” là hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự và kinh tế phục vụ phát triển nền kinh tế thị trường, cần được mở rộng thêm sang các lĩnh vực pháp luật khác như hành chính, hình sự… đặc biệt là sau khi Hiến pháp được sửa đổi và bối cảnh hội nhập toàn diện của Việt Nam. Đồng thời, cần tiếp tục duy trì ở mức độ mở rộng phạm vi về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Tư pháp Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam đào tạo chung các chức danh tư pháp (thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư), đội ngũ luật sư công đủ khả năng đại diện cho Chính phủ tham gia các tranh chấp thương mại quốc tế…

Viện trưởng Sakai Kunihiko nhấn mạnh, hai nước cùng hướng đến xây dựng NNPQ nên có nhiều điểm tương đồng, thuận lợi cho việc hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là PL&TP. Những kết quả hợp tác đó đã được nhiều nước đánh giá cao và coi mối quan hệ hợp tác về PL&TP của Việt Nam – Nhật Bản như “mô hình kiểu mẫu” để thực hiện các hoạt động hợp tác của mình. Để phát huy hơn nữa hiệu quả hợp tác, hai bên cần bắt đầu chuẩn bị cho giai đoạn hợp tác mới ngay từ hôm nay, cụ thể trong việc sửa đổi Bộ luật Dân sự, Bộ luật tố tụng Dân sự, luật phá sản và tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn về lĩnh vực hình sự…

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho rằng, những đánh giá và triển vọng hợp tác giữa hai bên mà Viện trưởng đề cập mang đến những tín hiệu khả quan, đầy tin tưởng, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của Viện Nghiên cứu và đào tạo Bộ Tư pháp Nhật Bản trong việc thực hiện và phát triển mối quan hệ hợp tác này. Thứ trưởng hy vọng, Bộ Tư pháp Việt Nam và Viện Nghiên cứu và đào tạo Bộ Tư pháp Nhật Bản sẽ tích cực hợp tác để có nhiều kết quả hơn nữa đóng góp cho quá trình xây dựng pháp luật và cải cách tư pháp của Việt Nam, cũng như phát triển mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản./.

H.Giang


Hồng Minh