Bộ Tư pháp bàn giải pháp “gỡ khó” để “tiếp sức” cho các trường Trung cấp Luật

26/08/2013
Bộ Tư pháp bàn giải pháp “gỡ khó” để “tiếp sức” cho các trường Trung cấp Luật
Khẳng định chủ trương thành lập các Trường Trung cấp Luật là hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên, tại Hội nghị sơ kết công tác tổ chức và hoạt động của các Trường trung cấp Luật tổ chức tại Thái Nguyên ngày 23/8, đại diện lãnh đạo 5 Trường trung cấp Luật đều phản ánh đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn tuyển sinh và cả nguồn cán bộ, viên chức. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nhữ Văn Tâm, đại diện một số bộ, ngành chức năng, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và đại diện lãnh đạo 5 Trường trung cấp Luật cùng tham dự Hội nghị.

Từ chủ trương đúng, 5 trường trung cấp Luật đã đi vào hoạt động

Nhìn lại bối cảnh ra đời của các Trường Trung cấp Luật, ông Trần Văn Quảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp cho biết: Trước nhu cầu cấp thiết về đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở, đặc biệt là cán bộ tư pháp hộ tịch, đồng thời để khắc phục những tồn tại trong công tác đào tạo trung cấp luật trong những năm qua, Bộ Tư pháp đã xây dựng Đề án thành lập các trường Trung cấp Luật và chỉ trong một thời gian ngắn, từ 2009 đến 2012, năm Trường trung cấp Luật lần lượt ra đời, là Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột; Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang; Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, Trường Trung cấp Luật Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình và Trường trung cấp Luật Tây Bắc, tỉnh Sơn La.

Đến nay, cả 5 trường Trung cấp Luật thuộc Bộ Tư pháp đã đi vào hoạt động. Học viên trung học luật những khóa đầu tiên của Trường trung cấp luật Buôn Ma Thuột và Vị Thanh đã tốt nghiệp và phần lớn đã được tuyển vào các cơ quan tư pháp địa phương. Thực tiễn qua 3 năm triển khai Đề án đã khẳng định tính đúng đắn, kịp thời của chủ trương xây dựng các cơ sở đào tạo trung cấp Luật.

Tại Hội nghị, bên cạnh việc đánh giá những kết quả mà các Trường đã làm được trong thời gian qua, các đại biểu đã tập trung phân tích những nguyên nhân dẫn đến khó khăn và đề xuất các giải pháp gỡ khó cho các Trường.

Mở rộng nguồn tuyển sinh bằng cách nào?

Theo phản ánh của lãnh đạo các trường Trung cấp Luật, khó khăn chung của các Trường hiện nay là việc tuyển dụng đội ngũ cán bộ, viên chức còn gặp nhiều khó khăn. Không chỉ thiếu tài liệu, giáo trình phục vụ cho các môn học nghiệp vụ chuyên sâu, các Trường còn phải đi thuê địa điểm đào tạo cho học sinh vì hầu như cả 5 Trường đều đang trong giai đoạn xây dựng trụ sở. Điều khiến các trường lo nhất là tâm lý của người dân không muốn cho con đi học trung cấp chuyên nghiệp khiến công tác tuyển sinh ngày càng khó khăn. Các trường cũng chịu rất nhiều áp lực trong việc cạnh tranh với các trường đại học, cao đẳng trong việc thu hút người học.

Để gỡ khó về nguồn tuyển sinh, ông Nguyễn Hùng Vừa, Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Luật Buôn Ma Thuột đề nghị Bộ cho phép nâng cấp trường thành Trường cao đẳng ngay trong năm 2015 hoặc 2016 để tăng sức hút đối với người học, mở rộng nguồn tuyển sinh. Bên cạnh việc kiến nghị gỡ vướng về kinh phí giải phóng mặt bằng cho dự án xây dựng Trường, ông Nguyễn Đỗ Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên cũng kiến nghị Bộ Tư pháp sớm cho trường nâng cấp thành cao đẳng.

Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Châu, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, trong điều kiện hiện nay mà tính đến việc nâng cấp các trường trung cấp Luật lên thành cao đẳng là “xa vời’. Điều mà Bộ Tư pháp và các Trường phải tính đến đầu tiên là phải có chính sách đặc thù đầu tư cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên. “Xây dựng trường thì 1 năm, 2 năm là có thể sử dụng được ngay, nhưng xây dựng một đội ngũ giáo viên có chất lượng thì phải mất rất nhiều thời gian”, mà nếu không có đội ngũ giáo viên có chất lượng thì không thể tính đến việc nâng cấp trường lên cao đẳng hay tạo “thương hiệu” đủ sức cạnh tranh để thu hút người học. Ông Lê Tiến Châu cũng đề xuất giải pháp mở rộng các hình thức đào tạo và phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc mở rộng nguồn tuyển sinh.

Giải thích rõ hơn cho đề xuất nâng cấp lên cao đẳng của các Trường, ông Hoàng Ngọc Thỉnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột khẳng định, các Trường đề xuất nâng cấp lên cao đẳng không phải để cho “oai” mà nếu được nâng cấp, các Trường sẽ được tuyển sinh cùng lúc cả 2 hệ cao đẳng và trung cấp, và đây là một giải pháp quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của các Trường.

Cũng về vấn đề nguồn tuyển sinh, ông Nguyễn Công Bình, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật Tây Bắc khẳng định, do thành lập sau trong khi cả nước đã có  hơn 30 cơ sở đào tạo có đào tạo Luật nên việc cạnh tranh về nguồn tuyển sinh là khó tránh khỏi. Để gỡ khó khăn này, ông Nguyễn Công Bình đề nghị đẩy mạnh giải pháp liên thông đào tạo với Trường Đại học Luật Hà Nội. Trước đề xuất này, ông Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội khẳng định Trường  ĐH Luật Hà Nội luôn sẵn sàng phối hợp với các Trường trung cấp luật trong việc cung cấp nguồn giáo viên giảng dạy cũng như mở các lớp đào tạo liên thông.

Còn theo phản ánh của Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp Luật Đồng Hới Nguyễn Thị Phương Thanh, một khó khăn cần được tháo gỡ kịp thời là “đầu ra” cho các học sinh, vì phải nhìn thấy tương lai xin được việc khi ra trường thì các trường Trung cấp Luật mới có sức hút thực sự đối với người học. Trước đề xuất này, ông Hoàng Sỹ Thành, Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) cho biết, Tổng cục THADS sẵn sàng “đặc biệt lưu ý” tới việc tạo “đầu ra” cho học sinh các Trường trung cấp Luật. Tuy nhiên, ông Hoàng Sỹ Thành cũng đề nghị các Trường chú ý đào tạo theo hướng đào tạo “thợ” để người học đáp ứng ngay được yêu cầu công việc.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đồng tình với các ý kiến phát biểu khẳng định chủ trương thành lập hệ các trường Trung cấp Luật là hoàn toàn đúng đắn. Bộ trưởng cũng chia sẻ với các khó khăn mà các Trường đang gặp phải và cho biết Bộ Tư pháp sẽ từng bước gỡ khó để “tiếp sức” cho các Trường. Tuy nhiên, trước mắt, để “gỡ” được những khó khăn này, Bộ trưởng yêu cầu các Trường phải chú trọng xây dựng “thương hiệu”. “Chương trình dạy phải sát với nhu cầu thực tế cuộc sống. Đào tạo thợ thì chương trình phải sát với đào tạo “thợ”, những vấn đề pháp luật là những vấn đề rất đại cương thôi, còn lại là những vấn đề cầm tay chỉ việc, học viên về xã làm việc thì kỹ năng làm việc là như thế nào, phải thành thạo” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, “học phải đi đôi với hành”, các Trường phải tập trung “đào tạo theo nhu cầu của xã hội thay vì đào tạo những gì chúng ta có”, có như thế mới đủ sức thu hút thí sinh và chuyển sang giai đoạn xây dựng thương hiệu một cách hiệu quả.