Tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư liên tịch về thế chấp quyền sử dụng đất và dự thảo Thông tư liên tịch về đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai

26/08/2013
Tọa đàm góp ý dự thảo Thông tư liên tịch về thế chấp quyền sử dụng đất và dự thảo Thông tư liên tịch về đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai
Ngày 23/8/2013, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm về dự thảo Thông tư liên tịch về thế chấp quyền sử dụng đất và dự thảo Thông tư liên tịch về đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai. Tham dự Tọa đàm có đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh.

Đối với Thông tư về thế chấp quyền sử dụng đất, các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Thông tư hướng dẫn nhằm khắc phục tình trạng nhiều hợp đồng thế chấp phát sinh tranh chấp hoặc bị tòa án có thẩm quyền tuyên vô hiệu, mặc dù có thể các bên hoàn toàn tự nguyện, trung thực khi ký kết hợp đồng và hợp đồng đã được công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự, các văn bản pháp luật khác có liên quan. Thực tiễn giao kết hợp đồng và giải quyết các tranh chấp về hợp đồng thời gian qua cho thấy, dự thảo Thông tư liên tịch về thế chấp quyền sử dụng đất cần tập trung hướng dẫn các vấn đề mà pháp luật hiện chưa quy định rõ ràng, chi tiết, dẫn đến nhiều cách hiểu, áp dụng pháp luật khác nhau giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan, ví dụ như: Vấn đề về hộ gia đình (thời điểm xác định; cách thức xác định thành viên hộ gia đình); về ủy quyền tham gia giao dịch; về ký kết hợp đồng thế chấp mà bên thế chấp và bên vay là 02 chủ thể khác nhau; về việc nhận thế chấp nhưng sau đó hợp đồng mua bán bất động sản bị Tòa án tuyên vô hiệu; về nghĩa vụ trong tương lai.

Đối với Thông tư về đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, các đại biểu cho rằng, đây là một vấn đề cần nghiên cứu, hướng dẫn nhằm hỗ trợ thị trường vốn, thị trường bất động sản của nước ta. Vấn đề được điều chỉnh trong Thông tư là cần làm rõ sự khác nhau giữa đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai với đăng ký nhà ở hình thành trong tương lai. Đồng thời, thông qua việc chuyển tiếp thời điểm đăng ký thế chấp và sự liên kết, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan để có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi của bên nhận bảo đảm, tránh sự xung đột về lợi ích giữa các bên khi cho vay có bảo đảm.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp đã giải trình, tiếp thu các ý kiến pháp biểu của các đại biểu tham dự Tọa đàm. Việc hướng dẫn thống nhất áp dụng pháp luật về thế chấp quyền sử dung đất, tài sản gắn liền với đất và đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng, mà còn góp phần thiết lập môi trường pháp lý an toàn, minh bạch cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước. Trên cơ sở kết quả Tọa đàm, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo 02 Thông tư và báo cáo Ban soạn thảo xem xét, quyết định tại phiên họp đầu tháng 9/2013