Họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm

05/08/2013
Ngày 02/8/2013, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập để góp ý, hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm trước khi báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, ký ban hành theo nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 17/01/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Hồ Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Tổ trưởng Tổ biên tập nêu rõ dự thảo Thông tư đã lựa chọn, giải quyết một số “điểm nghẽn” trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm trên cơ sở tuân thủ các quy định tại các văn bản có giá trị pháp lý cao hơn (Luật, Nghị định), cụ thể là các vấn đề như: Thu hồi tài sản thế chấp trong trường hợp bên thế chấp bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp; xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp hợp đồng thế chấp đã được đăng ký trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi theo quy định của pháp luật; hỗ trợ của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan Công an đối với người xử lý tài sản bảo đảm trong việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm; giải quyết trường hợp bên bảo đảm không tự nguyện ký hợp đồng, giấy tờ, tài liệu về chuyển nhượng, mua bán tài sản bảo đảm trong khi các bên có thỏa thuận về việc bên nhận bảo đảm được quyền ký kết hợp đồng chuyển nhượng, mua bán tài sản tại thời điểm ký hợp đồng bảo đảm. Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, báo cáo của Thường trực Tổ biên tập cho thấy, một số địa phương đã đề nghị dự thảo Thông tư chỉ nên điều chỉnh mối quan hệ giữa tổ chức tín dụng với tư cách là bên nhận bảo đảm và các tổ chức, cá nhân khác trong quá trình thu hồi, xử lý tài sản bảo đảm, vì việc cho vay và nhận bảo đảm là chức năng của các tổ chức tín dụng và chiếm tỷ lệ chủ yếu trên thực tế. Ngoài ra, nếu áp dụng đối với bên cho vay là tổ chức, cá nhân khác thì rất dễ phát sinh những bất ổn trong giao lưu dân sự (ví dụ: Các tổ chức, cá nhân có thể "hợp pháp hóa" các hợp đồng cho vay nặng lãi hoặc che dấu hợp đồng chuyển nhượng dưới hình thức hợp đồng thế chấp). Tuy nhiên, một số thành viên tham dự cuộc họp cho rằng, dự thảo Thông tư cần hướng dẫn thống nhất đối với mọi chủ thể nhằm bảo đảm sự bình đẳng trong quá trình áp dụng pháp luật.

Phát biếu ý kiến tại cuộc họp, ông Vũ Đức Long - Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm khẳng định cần sớm ban hành Thông tư liên tịch nêu trên nhằm hướng dẫn chi tiết, cụ thể về cơ chế, cách thức xử lý tài sản bảo đảm, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trong việc chủ động xử lý tài sản bảo đảm, giúp hạn chế nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tăng khả năng thanh khoản của tài sản bảo đảm và tạo sự ổn định trong hoạt động tín dụng./.

Nguyễn Quang Hương Trà - Cục Đăng ký GDBĐ