Hội nghị quán triệt triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại

02/08/2013
Hội nghị quán triệt triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại
Sáng 02/8, Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/2013/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội (Nghị quyết) và Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại” (Quyết định).
 

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính - Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Tống Anh Hào, đại diện Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, các thành viên Ban Chỉ đạo đến từ các Bộ, ngành, đại diện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện mở rộng thí điểm chế định Thừa phát lại…

 

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh: thí điểm chế định Thừa phát lại là một giải pháp mang tính đột phá nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp đã được Đảng, Nhà nước ta đề ra. Từ kết quả thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh trong 3 năm qua, Quốc hội đã nhất trí việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”.

 

 

Trong thời gian quan, nhiều công việc đã được Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan chủ động, tích cực triển khai để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả việc thí điểm thì cần sự nỗ lực, cố gắng, đồng thuận, quyết tâm cao của các cơ quan có liên quan, đặc biệt là các cấp chính quyền địa phương nơi thực hiện mở rộng thí điểm chế định Thừa phát lại.

 

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Kế hoạch triển khai thực hiện của Ban chỉ đạo, báo cáo kinh nghiệm của TP.Hồ Chí Minh và tham luận của các địa phương chuẩn bị triển khai thí điểm cùng ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan. Các ý kiến tham gia tại Hội nghị rất đa dạng, phong phú nhưng đều hướng đến một đích chung đó là sự thống nhất trong nhận thức và hành động để thực hiện hiệu quả nhất chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chế định Thừa phát lại.

 

 

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng Ban Chỉ đạo hoan nghênh sự quan tâm, hưởng ứng đối với việc thực hiện chủ trương thí điểm chế định Thừa phát từ phía các bộ, ngành, các cấp ủy và chính quyền địa phương, từ đó đã giúp cho Ban Chỉ đạo Trung ương lựa chọn được 13 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham gia thực hiện thí điểm Thừa phát lại giai đoạn 2012-2015. Bộ tưởng nhấn mạnh: kết quả cuối cùng của giai đoạn thí điểm này sẽ là căn cứ thực tiễn quan trọng nhất để các cơ quan Đảng và Nhà nước có thẩm quyền quyết định tương lai của nghề Thừa phát lại ở Việt Nam. Với trọng trách lịch sử như vậy, với quyết tâm và nhận thức chung thống nhất của các bộ, ngành và địa phương thể hiện tại Hội nghị hôm nay, chúng ta có quyền tin tưởng rằng, việc thí điểm nhất định sẽ thành công, nghề Thừa phát lại sẽ khẳng định được vị trí, vai trò là người bạn đồng hành, hỗ trợ hữu ích cho các cơ quan tư pháp và mọi người dân, tổ chức trong nền tư pháp dân chủ, vì dân.