Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp

31/07/2013
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp

Chiều 31/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương (BCĐ CCTP TƯ) dẫn đầu Đoàn công tác đã tới làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp để kiểm tra, đánh giá việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49). Bộ trưởng Hà Hùng Cường – Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, các đồng chí Thứ trưởng – thành viên Ban Cán sự cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đón tiếp Đoàn.

Cùng tham dự buổi làm việc có bà Lê Thị Thu Ba (Phó trưởng BCĐ CCTP TƯ), ông Nguyễn Dõan Khánh (Phó trưởng Ban Nội chính TƯ), ông Nguyễn Văn Quyền (Phó Chánh Văn phòng TƯ), ông Giang Sơn (Phó Chủ nhiệm văn phòng Chủ tịch nước), ông Kiều Đình Thụ (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), Trung tướng Trần Văn Độ (Phó Chánh án TANDTC), ông Lê Hữu Thể (Phó Viện trưởng VKSNDTC), ông Nguyễn Văn Thảo (Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn luật sư Việt Nam), Trợ lý Chủ tịch nước, các ủy viên thường trực của BCĐ, đại diện các Ban của văn phòng BCĐ CCTP TƯ.

Báo cáo với Chủ tịch nước và Đoàn công tác về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49, đồng chí Hoàng Thế Liên, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thứ trương Bộ Tư pháp nhấn mạnh: trong hơn 8 năm qua, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã nghiêm túc triển khai và chỉ đạo sát sao các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp được phân công, đồng thời có nhiều biện pháp tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đến nay, nhiều nhiệm vụ, đề án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, bước đầu tạo được chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực công tác, qua đó góp phần nâng cao vị thế của Bộ, ngành Tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước.

 

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp cũng nhận thấy những hạn chế, yếu kém nhất định trong quá trình triển khai Nghị quyết số 49 như: thể chế trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp, công tác THADS vẫn còn những hạn chế, bất cập. Việc phát triển các dịch vụ công, dịch vụ pháp lý do Ngành tư pháp quản lý trên một số lĩnh vực còn chậm so với yêu cầu của thực tiễn. Tổ chức và hoạt động của luật sư, công chứng, giám định, trợ giúp pháp lý còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Công tác đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, các chức danh tư pháp vẫn còn nảy sinh những vấn đề chưa thống nhất về quan điểm và phối hợp hành động thực tế giữa các Ngành. Chế độ, chính sách liên quan đến công tác đầu tư xây dựng có những điểm chưa hợp lý...

 

 

Qua 8 năm triển khai Nghị quyết số 49, ngành Tư pháp đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu. Thứ nhất, sự nhận thức đúng đắn và lãnh đạo sát sao của các cấp ủy Đảng là yếu tố quyết định thành công của cải cách tư pháp. Thứ hai, khơi dậy và duy trì tính chủ động, năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức tư pháp mà trước tiên và quan trọng nhất là của thủ trưởng, lãnh đạo đơn vị góp phần quan trọng vào việc đạt được các mục tiêu của cải cách. Thứ ba, triển khai thực hiện Nghị quyết số 49 cần có trọng tâm, trọng điểm với sự chỉ đạo tập trung, kịp thời, quyết liệt, dứt điểm và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành. Thứ tư, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, xác định hợp lý lộ trình cải cách, kịp thời sơ kết thực tiễn, rút kinh nghiệm cho các bước cải cách tiếp theo có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thành công các định hướng của cải cách.

 

 

Cơ bản đồng tình với báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về kết quả thực hiện Nghị quyết số 49, các thành viên trong Đoàn công tác của BCĐ CCTP TƯ đều đánh giá cao nỗ lực, sự kiên trì và quyết tâm cao của Bộ Tư pháp trong thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, từ đó khẳng định và ghi nhận những thành công mà Bộ đã đạt được trong công tác này thời gian qua. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đã chỉ ra những hạn chế mà Bộ Tư pháp cần tập trung khắc phục, đồng thời nêu lên một số vấn đề mà Bộ cần làm rõ và bổ sung thêm trong Báo cáo.

 

 

Trân trọng tiếp thu các ý kiến góp ý để làm rõ hơn, sâu sắc hơn các nội dung của Báo cáo, Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: những chủ trương cải cách tư pháp trong Nghị quyết số 49 cơ bản là đúng đắn và sáng suốt. Tuy nhiên, một số chính sách cải cách đã được chi tiết hóa nhưng vẫn đang có nhiều khó khăn cần tháo gỡ, một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện các chủ trương CCTP chưa giải quyết được. Vì vậy, việc tổng kết nhằm đưa ra được những đánh giá, kiến nghị rõ ràng về từng chủ trương, định hướng, nhiệm vụ là quan trọng và cần thiết. Bộ Tư pháp cùng với các Bộ, ngành có liên quan đã và đang tích cực thực hiện nhiệm vụ này để tham mưu với BCĐ CCTP TƯ, trên cơ sở đó kiến nghị Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện hoặc bổ sung, phát triển những chủ trương, định hướng đúng đắn, đồng thời yêu cầu dừng, không thực hiện những chủ trương, định hướng không còn phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước. Với trách nhiệm và quyết tâm của mình, Bộ Tư pháp hứa sẽ cố gắng thực hiện tốt hơn những nhiệm vụ được giao và sẽ được giao để góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp nước nhà.

 

 

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng BCĐ CCTP TƯ nhận định: trong thời gian qua, Bộ Tư pháp là một trong những cơ quan “chủ công”, có nhiều đóng góp tích cực cho việc thực hiện Nghị quyết số 49 nói riêng và công cuộc cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước nói chung. Tuy nhiên, không có Nghị quyết nào bao quát được hết các vấn đề của cuộc sống nên cần phải tổng kết phải trên cơ sở chú trọng tới thực tiễn, từ đó chỉ rõ những gì làm được và chưa được, đề xuất những giải pháp, chủ trương để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Đồng chí bày tỏ tin tưởng rằng, cùng sự phối kết hợp của các Bộ, ngành, với sự cố gắng, quyết tâm, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp và cán bộ, công chức ngành Tư pháp sẽ giải đáp được những vấn còn tồn tại trong công cuộc cải cách tư pháp, góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam vững mạnh, xứng tầm, là bộ phận không thể thiếu của Nhà nước pháp quyền.