Hội nghị sơ kết công tác Tư pháp 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2013

01/08/2013
Hội nghị sơ kết công tác Tư pháp 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2013
Sáng 01/8, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Tư pháp 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2013 bằng hình thức trực tuyến tại 9 điểm cầu trên cả nước. Hội nghị có sự tham dự của đại diện của các cơ quan Trung ương như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ…, lãnh đạo Sở Tư pháp, Sở Nội vụ các địa phương và lãnh đạo một số Cục Thi hành án dân sự. Về phía Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường, các đồng chí Thứ trưởng và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cùng tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Hồng Sơn trình bày báo cáo kết quả công tác tư pháp 8 tháng đầu năm 2013 và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu công tác đến hết năm 2013, trong đó khẳng định: Được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác tư pháp 8 tháng đầu năm 2013 đã được toàn Ngành triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ đắc lực các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã nêu tại các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đồng thời định hướng rõ nét hơn sự phát triển của ngành Tư pháp. Một số nhiệm vụ trọng tâm đã được toàn Ngành triển khai sớm, bài bản, đạt được những kết quả tích cực, như việc hoàn thành tốt nhiệm vụ lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, góp ý dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật có bước phát triển mới với việc Thủ tướng Chính phủ chuyển giao trách nhiệm theo dõi tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Tư pháp; công tác kiểm tra VBQPPL được tăng cường hơn, gắn kết hơn với theo dõi thi hành pháp luật. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực. Quản lý nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, nuôi con nuôi tiếp tục đi vào nền nếp, đơn giản hoá thủ tục hành chính; công tác bồi thường nhà nước đã từng bước góp phần tạo sự chuyển biến nhận thức trong cán bộ, công chức về trách nhiệm trong thi hành công vụ; công tác xã hội hóa công chứng, phát triển đội ngũ luật sư, công chức viên chức được quan tâm và đẩy mạnh… Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật đã đạt được nhiều kết quả, đặc biệt là đã hoàn thành nhiệm vụ đưa Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam trong hoạt động hợp tác về tư pháp quốc tế.

 

 

Bên cạnh đó, công tác tư pháp vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như: Tiến độ xây dựng đề án, văn bản của Bộ Tư pháp chưa được bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh; một số địa phương chậm ban hành Chương trình xây dựng VBQPPL năm 2013; tiến độ, chất lượng xây dựng, thẩm định VBQPPL còn hạn chế, nhất là việc ban hành thông tư, thông tư liên tịch; công tác PBGDPL ở một số địa bàn vẫn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất; thủ tục hành chính còn rườm rà, chi phí tuân thủ lớn, việc thực thi không nghiêm; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như hộ tịch, chứng thực còn chưa sâu, chậm được đổi mới, chưa đóng góp thiết thực cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; việc triển khai thi hành các Luật Giám định tư pháp, PBGDPL còn chậm; lĩnh vực công tác lý lịch tư pháp đã có những khởi sắc song vẫn còn những vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các sở, ngành; tình trạng vi phạm pháp luật của các Văn phòng Công chứng vẫn còn; hiện tượng tiêu cực trong THADS có chiều hướng gia tăng; chất lượng yếu tố con người và các nguồn lực khác phục vụ công tác pháp luật và tư pháp còn nhiều hạn chế.

 

 

Trong những tháng cuối năm 2013, ngành Tư pháp tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực mới được phân công, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, khắc phục các hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước, đưa công tác tư pháp đi vào chiều sâu, bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của đất nước, bảo đảm tốt trật tự, an toàn và an sinh xã hội. Toàn Ngành sẽ tiếp tục tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2013, đặc biệt là 10 nhiệm vụ trọng tâm đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện.

 

 

Ngoài Báo cáo sơ kết, các đại biểu tham dự Hội nghị đã nghe thêm một số chuyên đề về kết quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính, tình hình triển khai Luật Phổ biến giáo dục pháp luật 8 tháng đầu năm 2013, giới thiệu một số nội dung của Thông tư liên tịch Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện và công tác tư pháp của UBND cấp xã. Trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và xây dựng, các đại biểu đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến về nội dung các báo cáo và chuyên đề, đồng thời liên hệ chặt chẽ với tình hình thực tế của địa phương, từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực để tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt các nhiệm vụ của công tác tư pháp trong thời gian tới. Những kiến nghị, câu hỏi về từng vấn đề cụ thể được nêu lên tại Hội nghị đã được lãnh đạo các đơn vị giải đáp, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho pháp chế các Bộ, ngành và địa phương.

 

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận định: trong 8 tháng đầu năm 2013, hầu hết các nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp đều đã được tham mưu và triển khai thực hiện bằng chương trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực, nhiều nhiệm vụ đạt kết quả cụ thể, tạo chuyển biến và đóng góp tích cực cho việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành ghi nhận và đánh giá cao. Bộ trưởng chỉ rõ: một trong những lý do quan trọng để đạt được thành tích nêu trên là đã có chuyển biến lớn, đúng đắn của lãnh đạo các Bộ, ngành, về công tác pháp chế, của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về công tác tư pháp. Hiện tượng “khoán trắng” cho tư pháp, pháp chế ở một số Bộ, ngành, địa phương cơ bản đã chấm dứt.

 

 

Tuy nhiên, một số nhiệm vụ, trong đó có những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành triển khai còn chậm, lúng túng, chưa đạt hiệu quả mong muốn như công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL còn bất cập; tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh chưa được giải quyết dứt điểm; công tác chuẩn bị điều kiện cần thiết để giúp Chính phủ quản lý thống nhất xử lý vi phạm hành chính còn chậm; tiến độ triển khai một số Luật, Pháp lệnh còn chậm; công tác cắt giảm, kiểm soát thủ tục hành chính có sự “chùng” xuống; công tác xây dựng ngành chưa có nhiều chuyển biến…

 

 

Trong những tháng cuối năm 2013, Bộ trưởng yêu cầu toàn Ngành phải có giải pháp khắc phục những tồn tại lớn đã nêu ở trên, đặc biệt là giải quyết dứt điểm là câu chuyện “nợ” văn bản của pháp chế các Bộ, ngành. Bên cạnh đó, phải tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ mới, quan trọng như: góp ý xây dựng đề xuất của Chính phủ về chương “Chính quyền địa phương” trong dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi); chuẩn bị các Bộ luật, Luật quan trọng của năm 2014 như Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi)… ; triển khai quyết liệt Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư… Bộ trưởng cũng có những chỉ đạo cụ thể về các chuyên đề được trình bày tại Hội nghị và đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, pháp chế các Bộ, ngành và Sở Tư pháp địa phương có những việc làm cụ thể để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác những tháng cuối năm 2013.

 

 

Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp (28/8/1945 – 28/8/2013), Bộ trưởng thay mặt Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ gửi tới toàn thể cán bộ, công chức trong Ngành lời chúc mừng nồng nhiết và tin tưởng rằng với truyền thống đoàn kết, kỷ cương, đổi mới và trách nhiệm, toàn Ngành sẽ đạt được những thành tựu to lớn, cũng với cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.