Tổng kết thi hành Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP ban hành quy chế thẩm định điều ước quốc tế

02/08/2013
Tổng kết thi hành Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP ban hành quy chế thẩm định điều ước quốc tế
Sáng nay – 2/8, Bộ Tư pháp tổ chức tổng kết thi hành Quyết định số 06/2006/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành quy chế thẩm định điều ước quốc tế (ĐƯQT). Hội nghị do Thứ trưởng Lê Thành Long chủ trì với sự tham dự của các đại biểu đến từ Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Công tác thẩm định ĐƯQT đã dần đi vào nề nếp

Trình bày báo cáo tổng kết thi hành Quyết định 06/2006/QĐ-BT, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, công tác thẩm định ĐƯQT đã dần đi vào nề nếp, đúng quy định, bảo đảm tính kịp thời, góp phần đẩy mạnh quá trình hội nhập, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Chất lượng thẩm định ĐƯQT cũng từng bước được nâng cao, nội dung thẩm định đã nêu được các vấn đề đề pháp lý lớn và đề xuất những giải pháp đảm bảo tính tương thích của các quy định pháp luật hiện hành với các qui định của ĐƯQT. Trung bình, Bộ Tư pháp thẩm định tổng số khoảng 100 ĐƯQT/Năm và chưa có phản ánh nào về việc thẩm định có sai sót. Qua đó giúp đảm bảo ĐƯQT thực sự vừa là công cụ pháp lý hữu hiệu để thúc đẩy hợp tác quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân Việt Nam, vừa là kết quả của công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế.

Bên cạnh đó, những tồn tại, hạn chế trong công tác thẩm định ĐƯQT thời gian qua được chỉ ra trong báo cáo cho thấy, một trong những khó khăn đặt ra cho Bộ Tư pháp trong quá trình thẩm định các ĐƯQT là thiếu nguồn thông tin cũng như các cơ sở dữ liệu về ĐƯQT, trong khi cơ sở dữ liệu này chưa được Bộ Ngoại giao xây dựng, thông tin do các cơ quan đề nghị thẩm định cung cấp nhiều trường hợp còn sơ sài, chưa tuân thủ qui định của Luật ĐƯQT (điều 21).

Cùng với đó, yếu tố pháp lý, vấn đề điều chỉnh pháp luật phục vụ cho việc tiếp cận, gia nhập và thực hiện ĐƯQT thời gian qua chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra, không ít Bộ, ngành bỏ qua việc thẩm định ĐƯQT hoặc chỉ gửi hồ sơ thẩm định cho đủ thủ tục. Luật ĐƯQT và Quyết định số 06 được ban hành khi số lượng ĐƯQT được ký kết, tham gia hàng năm ít. Trong bối cảnh số lượng ĐƯQT lên con số hàng nghìn như hiện nay hai văn bản này đã thể hiện một số điểm bất cập nhất định, cần đánh giá, rà soát để hoàn thiện phù hợp với điều kiện thực tiễn. Công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác ĐƯQT còn chậm, việc phối hợp giữa các cơ quan, nhất là giữa cơ quan thẩm định và cơ quan chủ trì đàm phán ĐƯQT còn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả, nguồn tài chính cho công tác thẩm định ĐƯQT đã trở nên lạc hậu.

Phải nâng cao nhận thức về công tác thẩm định ĐƯQT

Đánh giá về công tác thẩm định ĐƯQT của Bộ Tư pháp, ông Lê Hải Triều (Trưởng phòng ĐƯQT, Vụ Luật pháp và ĐƯQT, Bộ Ngoại giao) nhấn mạnh, Bộ Tư pháp đã thể hiện sự chủ động và tích cực của mình trong công tác thẩm định ĐƯQT thông qua việc ban hành Quy chế theo Quyết định số 06, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của ĐƯQT, bảo đảm tính tương thích và khả thi của ĐƯQT trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Bộ Tư pháp đã chủ động đưa ra những đánh giá về ĐƯQT, cùng với ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao đã bảo đảm ĐƯQT được ký kết, gia nhập đúng danh nghĩa, giúp Chính phủ “yên tâm” hơn trong việc đưa ra quyết định ký kết, gia nhập ĐƯQT.

Chia sẻ kinh nghiệm phối hợp khi thẩm định các ĐƯQT, bà Nguyễn Thị Quế Thu (Vụ Pháp chế - Bộ Công an) thừa nhận, mặc dù có tầm quan trọng và có nhiều nội dung phức tạp, nhạy cảm của các ĐƯQT về an ninh, trật tự nhưng công tác thẩm định hiện chưa được quan tâm đúng mức nên cần có sự nhận thức đúng đắn và đầu tư thỏa đáng cho tương xứng với tầm quan trọng của công tác này.

Qua thực tiễn phối hợp thực hiện các thủ tục liên quan đến việc thẩm định các ĐƯQT, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận thấy, việc thẩm định ĐƯQT là cần thiết nhằm đảm bảo ĐƯQT phù hợp với các quy định pháp luật của Việt Nam, đảm bảo khả năng thực thi của các ĐƯQT khi có hiệu lực. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề liên quan đến các qui định về thẩm định ĐƯQT cần được xem xét, sửa đổi hoặc bổ sung về phạm vi áp dụng, thời điểm, hồ sơ, thời gian thẩm định, sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật về công tác thẩm định, số lượng hồ sơ đề nghị thẩm định,…

Đại diện các Bộ, ngành cũng trao đổi, thảo luận và tán thành những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thẩm định ĐƯQT trong thời gian tới như nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của ĐƯQT và công tác thẩm định ĐƯQT, hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, tài chính cho công tác thẩm định ĐƯQT, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thẩm định và cơ quan đàm phán ĐƯQT, đặc biệt là tăng cường và nâng cao vai trò của Bộ Ngoại giao với tư cách là cơ quan quản lý, theo dõi thi hành Luật ĐƯQT…

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Lê Thành Long khẳng định, thẩm định ĐƯQT phải theo qui định của Luật ĐƯQT. Định nghĩa về ĐƯQT theo Luật “vừa rộng, vừa thiếu”, đánh đồng với các VB, thỏa thuận khác dẫn đến một số bất cập, kéo dài thời gian thẩm định, không đáp ứng yêu cầu. Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp, xem xét các ý kiến liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Quy chế thẩm định ĐƯQT. Trong thời gian đó, có thể tự khắc phục một số vấn đề trong qui trình thẩm định như: phân loại các ĐƯQT, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan để đề xuất ý kiến thẩm định phù hợp nhất, đảm bảo qui trình, tiến độ thẩm định.

Thứ trưởng đề nghị Bộ Ngoại giao chuẩn bị hồ sơ Luật sửa đổi, bổ sung Luật ĐƯQT để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2014 hoặc 2015. Các Bộ, ngành như Tài chính, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện đúng qui định của Luật về hồ sơ thẩm định, tham gia đầy đủ quá trình thẩm định của Bộ Tư pháp để đảm bảo chất lượng thẩm định ĐƯQT./.

H.Giang, ảnh Cục CNTT


Hồng Minh