Bộ trưởng Hà Hùng Cường nghe báo cáo về định hướng lớn xây dựng Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư

23/07/2013
Vừa qua, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã nghe báo cáo về định hướng lớn xây dựng Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trong thực hiện dự án đầu tư. Buổi làm việc có sự tham dự của Thứ trưởng Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan, đại diện các Bộ, ngành, tổ chức là thành viên của Tổ Công tác liên ngành thực hiện Đề án như Bộ Tài chính, Tài nguyên và môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng…, Phòng Công nghiệp và Thương mại (VCCI), đại diện một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Tư pháp.

10 năm chưa xong thủ tục

Qua khảo sát tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai và lấy ý kiến của một số doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc, Bình Định, TP.HCM do Tổ công tác liên ngành xây dựng Đề án thực hiện cho thấy, đối với những dự án đầu tư có sử dụng đất (SDĐ), trong điều kiện thuận lợi nhất thì thời gian dành cho thực hiện TTHC cũng lên đến hơn 5 tháng (155 ngày) đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp và hơn 19 tháng (580 ngày) đối với các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.

 Nhận định chung của các chuyên gia và các nhà đầu tư cho rằng, “Thời gian thực hiện TTHC quá dài sẽ làm mất đi cơ hội đầu tư do chứa đựng nhiều rủi ro, làm tăng chi phí của dự án, làm cho tính an toàn về hiệu quả kinh tế của nhà đầu tư có nhiều sai số và không thể dự báo được hiệu quả của hoạt động đầu tư”. Với số lượng rất lớn TTHC phải thực hiện khiến thời gian hoàn thành các TTHC kể từ khi có ý tưởng đến khi dự án đi vào vận hành thường kéo dài hơn bình thường. Có những dự án phải mất đến 10 năm mà nhà đầu tư vẫn phải loay hoay với “mớ” thủ tục.

Ngay cả những dự án đầu tư xây dựng cơ bản của các cơ quan nhà nước muốn triển khai được cũng cần đến 42 tháng (dự án nhóm A), 29 tháng (dự án nhóm B) và 23 tháng (dự án nhóm C). Ông Nguyễn Tiến Hưng (Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính – Bộ Tư pháp) cho rằng, quy trình như vậy “gây lãng phí cho ngân sách nhà nước và nhiều vấn đề khác, khiến nhà đầu tư mất rất nhiều thời gian mà nguyên nhân là do có nhiều luật và văn bản hướng dẫn quy định cho việc tiến hành một dự án đầu tư”.

Không chỉ có vậy, những “rào cản” đối với con đường đưa vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh theo Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) không có một quy trình thủ tục đầy đủ, thống nhất từ khi chuẩn bị khâu đầu tư đến lúc vận hành dự án để công khai, minh bạch nên chỉ để thu hút đầu tư, hiện có đến 39 quy trình khác nhau của 39 địa phương... khiến các nhà đầu tư “hoang mang” khi lựa chọn địa phương làm địa bàn đầu tư.

Nhiều thủ tục trong quy trình thực hiện dự án đầu tư có sự chồng chéo, trùng lặp về mục tiêu, nội dung quản lý và cơ quan thực hiện. Đặc biệt, xuất hiện nhiều TTHC “con” trong quá trình thực hiện nên việc nhà đầu tư thực hiện thủ tục tiến hành dự án thường trở nên phức tạp và kéo dài thời gian do quy định về trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết TTHC không rõ ràng. Đã có nhà đầu tư phải chi 10-20% vốn đầu tư để làm thủ tục nên đã từ bỏ ý định đầu tư ở Việt Nam.

“Các quy định về đầu tư hiện nay đang giao thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ cho quá nhiều đầu mối, chưa phân cấp rõ ràng giữa các cơ quan TƯ và địa phương nên khi thực hiện, mỗi cơ quan, đơn vị có hướng dẫn riêng, không khâu nối được toàn bộ quy trình” – ông Đặng Công Khôi (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính) nhận định. Như thủ tục giới thiệu địa điểm đầu tư, mỗi văn bản pháp luật có hướng dẫn về cơ quan đầu mối khác nhau nên các địa phương cũng giao cho các cơ quan khác nhau thực hiện: Sở KHĐT (12 tỉnh), Sở TNMT (7 tỉnh), Sở Xây dựng (22 tỉnh) và ở một số tỉnh, Sở KHĐT và Sở Xây dựng đều có thể là cơ quan đầu mối….

Cải cách chính “trách nhiệm” thực thi TTHC

Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng trình Chính phủ “nghị quyết về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách TTHC trong thực hiện dự án đầu tư cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư” trong Quý III/2013. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn cho biết, tiến hành cải cách TTHC trong thực hiện dự án đầu tư là cần thiết “để cải thiện môi trường kinh doanh thu hút đầu tư: giảm thủ tục, thời gian dẫn đến giảm chi phí để môi trường thông thóang, thuận tiện thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn”. Đó cũng là mong muốn của các doanh nghiệp phản ánh qua kết quả nghiên cứu độc lập của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Tuy nhiên, đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên – Môi trường, Tài chính, Tư pháp… lo ngại, nếu không tính đến yếu tố cán bộ thì cải cách sẽ vô ích nên “Cải cách TTHC là cần thiết nhưng không phải là “cứu cánh” duy nhất, mà quan trọng là con người vì TTHC là do con người đặt ra và thực hiện”. Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng, cải cách TTHC trong thực hiện dự án đầu tư cần phải tính đến “tầm” luật, pháp lệnh, song ông Ngô Hải Phan (Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC – Bộ Tư pháp) cho biết, dự kiến trước mắt phải sửa 9 Nghị định và 14 Thông tư mới có môi trường kinh doanh đầu tư thuận lợi.

Theo đề xuất của Cục Kiểm soát TTHC, đối với các dự án có sử dụng đất, cần tập trung thực hiện đơn giản hóa các quy định về TTHC và cải cách việc tổ chức thực hiện TTHC trong thực hiện dự án đầu tư, trong đó nghiêm túc thực hiện công tác công bố, công khai TTHC làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện có hiệu quả, đảm bảo có tiến bộ mà người dân và doanh nghiệp có thể so sánh được đối với các TTHC trong thực hiện dự án đầu tư.

Cải cách TTHC trong thực hiện dự án đầu tư sẽ thiếp lập và duy trì một đầu mối cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư nước ngoài và xúc tiến đầu tư theo hướng thiết lập Cổng thông tin quốc gia tập trung nhằm tạo thuận lợi tối đa và giảm thiểu chi phí cho việc tiếp cận thông tin, tìm kiếm cơ hội đầu tư và đối tác tại Việt Nam, sử dụng hiệu quả nguồn lực, các lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam…

Trên cơ sở nghe ý kiến đóng góp của đại diện các Bộ, ngành, tổ chức, đơn vị tham dự buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, “Cần tìm ra những “nút thắt”, vấn đề gì cần thì phải cải cách ngay, nhất là về quy trình, thủ tục, còn vấn đề thực hiện (con người) “sai đến đâu, xử lý đến đó”. Nhưng không có nghĩa là để thực hiện dự án đầu tư “vô điều kiện” mà vẫn cần quan tâm đến các vấn đề bảo vệ môi trường, quản lý, quy hoạch đô thị… Trong khi chờ các Luật liên quan được sửa đổi hay ban hành mới, có thể cải cách để “nắn lại” quy trình, đảm bảo Nhà nước “gánh” một phần việc doanh nghiệp hiện đang phải làm khi muốn triển khai một dự án đầu tư, không để nhà đầu tư còn phải qua “nhiều cửa” với nhiều thủ tục khác nhau, tạo đột phá cho môi trường kinh doanh thu hút đầu tư, gián tiếp nâng cao (cải thiện) chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia.…”

Huy Anh