Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

05/07/2013
Chiều 4/7, Bộ Tư pháp đã tổ chức phiên họp định kỳ của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong tố tụng ở Trung ương để đánh giá kết quả công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng 6 tháng đầu năm 2013 và thảo luận phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động này trong thời gian tới. Cũng trong phiên họp, các thành viên Hội đồng đã thống nhất ký kết Thông tư liên tịch (TTLT) thay thế TTLT số 10/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định về TGPL trong hoạt động tố tụng với sự chứng kiến của Chủ tịch Hội đồng - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.

Nghiên cứu bổ sung chức danh Trợ giúp viên pháp lý

Theo Báo cáo 6 tháng đầu năm 2013, các Trung tâm TGPL trong toàn quốc đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng rà soát và đặt 1.434 Bảng thông tin, Hộp tin về TGPL tại các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ và các cơ quan tiến hành tố tụng trong quân đội, đồn biên phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho người được TGPL tiếp cận pháp luật về TGPL. Các Trung tâm cũng đã ra quyết định cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên tham gia 5.453 vụ việc TGPL trong tố tụng. Trong các vụ việc được thực hiện, chủ yếu là các vụ án hình sự và người được TGPL chủ yếu là người chưa thành niên phạm tội, là đối tượng bắt buộc phải có luật sư bào chữa theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Về phía các cơ quan tố tụng, phần lớn các cơ quan Điều tra, VKSND, TAND các cấp ở địa phương, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ đều niêm yết công khai Bảng thông tin về TGPL, đặt Hộp tin TGPL; cung cấp thông tin, giải thích, hướng dẫn người được TGPL và người thân thích của họ về quyền được TGPL; hướng dẫn các thủ tục để được TGPL. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã phát hiện và giới thiệu các trường hợp thuộc diện được TGPL đến với tổ chức thực hiện TGPL để được trợ giúp.

Việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên đã góp phần quan trọng bảo đảm để các vụ án được giải quyết, xét xử khách quan, chính xác, đúng pháp luật, đồng thời bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp các đương sự là người được TGPL. Tuy nhiên, đại diện Cơ quan thường trực Hội đồng – Phó Cục trưởng  Cục TGPL (Bộ Tư pháp) Cù Thu Anh cho biết, do chưa được quy định rõ trong Bộ luật Tố tụng hình sự nên một số địa phương, các cơ quan tiến hành tố tụng từ chối quyết định cử người tham gia tố tụng của Trung tâm TGPL. Vì vậy, để thống nhất các quy định giữa các văn bản quy phạm pháp luật, cần nghiên cứu bổ sung chức danh Trợ giúp viên pháp lý tại khoản 1 Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, trong đó có các đối tượng được TGPL.

Thông báo lịch xét xử trước 10 ngày

Tại phiên họp định kỳ này, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Hà Hùng Cường cùng đông đảo quan khách, các thành viên Hội đồng gồm Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Thành Công, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn đã cùng ký kết TTLT thay thế TTLT số 10/2007. Một nội dung mới đáng chú ý của TTLT thay thế là quy định rõ Tòa án thông báo lịch xét xử bằng văn bản cho tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL đã được cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng ít nhất 10 ngày trước ngày xét xử. Đối với vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn, Tòa án thông báo lịch xét xử bằng văn bản cho tổ chức thực hiện TGPL và người thực hiện TGPL đã được cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng ít nhất 7 ngày trước ngày xét xử. Tòa án cũng cần ghi rõ trong bản án, quyết định tên và chức danh của người thực hiện TGPL do tổ chức thực hiện TGPL cử tham gia tố tụng và ghi rõ ý kiến hoặc quan điểm của họ khi bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền lợi của người được TGPL.

Bên cạnh đó, TTLT lần đầu hướng dẫn chi tiết trách nhiệm của tổ chức tham gia TGPL là phải kiểm tra diện người được TGPL, bảo đảm người được TGPL có đủ điều kiện theo quy định; cử luật sư tham gia tố tụng và cử luật sư thay thế; chuyển vụ việc cho Trung tâm, Chi nhánh trong trường hợp không có luật sư thay thế; thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ địa chỉ, điện thoại liên hệ của tổ chức tham gia TGPL, luật sư.

Phát biểu sau lễ ký TTLT thay thế TTLT số 10/2007, Bộ trưởng Hà Hùng Cường tin tưởng, TTLT mới sẽ khắc phục những hạn chế của Thông tư cũ, qua đó sẽ không chỉ bảo đảm quyền được TGPL mà còn nâng cao chất lượng của hoạt động TGPL trong tố tụng. Bộ trưởng đề nghị các ngành thành viên chủ động trong việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thực hiện TTLT thay thế đến toàn thể cán bộ trong ngành ở Trung ương và địa phương, tạo chuyển biến mới hơn nữa trong hoạt động này. Về phía Bộ Tư pháp, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục làm tốt công tác phối kết hợp với các Bộ ngành để thực hiện đúng tinh thần của TTLT đã được lãnh đạo các ngành ký kết.

Cẩm Vân