Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo khoa học cấp Bộ về vật quyền bảo đảm

01/07/2013
Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo khoa học cấp Bộ về vật quyền bảo đảm
Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền, Bộ Tư pháp vừa tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ “Nhận diện khía cạnh pháp lý của vật quyền bảo đảm và một số kiến nghị xây dựng, hoàn thiện Bộ luật Dân sự (BLDS) Việt Nam”. Các đại biểu tham gia Hội thảo cho rằng việc nghiên cứu, hoàn thiện chế định về giao dịch bảo đảm có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy phát triển các giao dịch dân sự, kinh doanh, thương mại, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Ưu tiên thanh toán cho “người đến sau”

Đề cập đến một số hạn chế trong các quy định của BLDS năm 2005 về giao dịch bảo đảm, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Hồ Quang Huy đánh giá, Bộ luật vẫn còn vướng mắc trong việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa bên nhận cầm cố tài sản với bên nhận bảo lãnh và quan hệ giữa bên nhận bảo đảm với các chủ thể khác; chưa đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể khi giải quyết những lợi ích liên quan đến tài sản bảo đảm…

   

Chẳng hạn liên quan đến vấn đề xác định thứ tự ưu tiên thanh toán từ số tiền thu được do xử lý tài sản bảo đảm, ông Huy dẫn chứng một trường hợp là vụ Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển tỉnh P. (nay là Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh P.) và Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh B. cùng cho vay và nhận thế chấp bằng tài sản là động sản của Công ty TNHH P.L. Trong đó, hợp đồng bảo đảm giữa Công ty TNHH P.L và Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh P. đã được đăng ký tại Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản tại TP Đà Nẵng (Giấy chứng nhận đăng ký thế chấp tài sản thể hiện thời điểm đăng ký là 13h56’ ngày 14/4/2006), còn hợp đồng bảo đảm giữa Công ty TNHH P.L và Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh B. cũng được đăng ký tại Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản tại TP Đà Nẵng với thời điểm đăng ký thể hiện trên đơn yêu cầu đăng ký là 15h21’ ngày 4/6/2007. Tuy nhiên, Bản án sơ thẩm số 05/2010/KDTM-ST ngày 9/7/2010 của TAND tỉnh P. khi xác nhận thứ tự ưu tiên thanh toán giữa hai Ngân hàng cho rằng, do Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh P. “không cầm, nắm giữ cơ sở pháp lý gốc của tài sản trùng lắp” nên không thể phát mãi tài sản trùng lắp giữa hai Ngân hàng để bảo đảm việc thanh toán nợ cho Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh P.

Ông Huy phân tích: BLDS 2005 quy định trong trường hợp một tài sản bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ và đều thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm thì thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký. Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 325 BLDS 2005, việc “nắm, cầm, giữ” giấy tờ về tài sản thế chấp hoàn toàn do các bên thỏa thuận (có thể do bên thế chấp hoặc bên nhận thế chấp giữ). Do đó, ông Huy cho rằng, trong vụ việc này thì phải ưu tiên thanh toán cho Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tỉnh P. trước khi thanh toán cho Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh B.

   

Nghiên cứu quy định chế định “quyền ưu tiên”

Sở dĩ có tình huống ưu tiên thanh toán cho “người đến sau” là do BLDS mặc dù đã đề cập tới thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các giao dịch bảo đảm, nhưng lại chưa giải quyết phương thức xác định thứ tự thanh toán nên dẫn tới áp dụng chưa thống nhất trong thực tiễn. Vì vậy, ông Huy kiến nghị, BLDS sửa đổi cần quy định căn cứ để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm như thời điểm đăng ký, thời điểm chiếm hữu tài sản bảo đảm, đồng thời xác định rõ thứ tự ưu tiên giữa các chủ thể có liên quan.

Tán thành với ông Huy, PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (Đại học Quốc gia TP.HCM) nêu kinh nghiệm của pháp luật nhiều nước trong vấn đề này là quy định chế định “quyền ưu tiên” vốn bao hàm đầy đủ và toàn diện hơn về việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán. Ông Điện khẳng định, quyền ưu tiên của chủ nợ có bảo đảm bằng tài sản so với chủ nợ không có bảo đảm là không thể tranh cãi. Tuy nhiên, vấn đề có thể trở nên tế nhị trong trường hợp có nhiều nhiều chủ nợ có bảo đảm xuất hiện cùng một lúc (như vụ việc vừa nêu - PV). Bởi thế, ông Điện lưu ý: “Việc xác định chủ nợ có bảo đảm nào được ưu tiên so với các chủ nợ có bảm đảm còn lại đòi hỏi sự can thiệp chủ động của người làm luật trong việc xếp hạng các chủ nợ có bảo đảm bằng các quy tắc pháp lý rành mạch”.

   

Ngoài ra, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cũng kiến nghị kết cấu nội dụng của chế định về giao dịch bảo đảm gồm quy định chung về giao dịch bảo đảm; quy định cụ thể về từng biện pháp bảo đảm có tính chất của vật quyền và trái quyền; giải quyết thứ tự ưu tiên giữa các vật quyền.

Về biện pháp bảo đảm, một số ý kiến cho rằng việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung BLDS cần mở rộng đối tượng các quyền liên quan đến tài sản cần được đăng ký, công khai hóa về tình trạng pháp lý đối với người thứ ba; quy định cụ thể, rõ ràng hơn về các quyền từ hợp đồng và bãi bỏ một số quy định hạn chế các chủ thể thiết lập và thực hiện các giao dịch bảo đảm; bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể khi giải quyết những lợi ích liên quan đến tài sản bảo đảm…

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu còn thảo luận theo các chuyên đề: “Những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng các quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và một số kiến nghị - Nhìn từ góc độ tổ chức tín dụng; Xu thế phát triển của pháp luật về giao dịch bảo đảm của một số nước trên thế giới và kiến nghị sửa đổi BLDS Việt Nam”… Các phân tích, kiến nghị từ Hội thảo sẽ góp phần xây dựng, hoàn thiện BLDS Việt Nam.