Công tác vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Tư pháp tạo cơ sở để thực hiện bình đẳng giới trong thời kỳ mới

26/06/2013
Công tác vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Tư pháp tạo cơ sở để thực hiện bình đẳng giới trong thời kỳ mới
Sáng qua - 25/6, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) ngành Tư pháp đã sơ kết công tác 6 tháng đầu năm dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền, Trưởng ban VSTBPN ngành Tư pháp.

Nhiều kết quả tích cực, “đáng phấn khởi”

Đánh giá sơ bộ về kết quả 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền cho rằng, công tác VSTBPN đã cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng đầu năm với nhiều kết quả tích cực và những số liệu “đáng phấn khởi”. Lồng ghép BĐG trong vấn đề xây dựng và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật luôn được Bộ Tư pháp chú trọng quán triệt và quan tâm. Vấn đề BĐG luôn được coi là một trong những nội dung quan trọng của các dự án, dự thảo do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo và được chú trọng trong quá trình khảo sát, đánh giá tác động, xây dựng thành các nội dung cụ thể. Qua công tác thẩm định văn bản, nếu phát hiện có nội dung thể hiện bất BĐG, Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung và chỉnh lý dự thảo cho phù hợp với Luật BĐG, đặc biệt là những văn bản có nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái, các văn bản quy định về BĐG, về hôn nhân gia đình, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ….

Bộ cũng đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến pháp luật để góp phần đưa các quy định, mục tiêu, yêu cầu về BĐG vào đời sống xã hội nâng cao nhận thức của Nhà nước và các tầng lớp nhân dân đối với vấn đề BĐG và VSTBPN, từ đó triển khai thực hiện có hiệu quả công tác này. Đồng thời, thực hiện lồng ghép BĐG trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động của Ngành, tổ chức thực hiện các biện pháp thúc đẩy BĐG, lồng ghép BĐG trong ngành, lĩnh vực phụ trách, góp phần thúc đẩy BĐG thực chất trong cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và toàn xã hội. Bộ Tư pháp đặc biệt chú trọng công tác cán bộ nữ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng… Đặc biệt, sự tham gia ngày càng nhiều của nhiều cán bộ nữ cho thấy, việc thực hiện BĐG trong phát triển đội ngũ lãnh đạo Bộ, ngành, đơn vị, đoàn thể của Bộ ngày càng được quan tâm.

Nhờ đó, “các chỉ tiêu về BĐG và VSTBPN của Bộ, ngành đã từng bước được nâng lên, góp phần khẳng định cũng như nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong công việc, gia đình và xã hội, tạo cơ sở để thực hiện BĐG trong thời kỳ mới” – Ban VSTBPN ngành Tư pháp đánh giá.

Cần có cán bộ chuyên trách

Đó là một trong những giải pháp được cho là căn cơ để khắc phục những tồn tại, hạn chế của công tác VSTBPN ở Bộ Tư pháp hiện nay. Theo nhận định của Ban VSTBPN, một khó khăn cho công tác VSTBPN của Bộ Tư pháp là “cán bộ của các Ban VSTBPN đều làm kiêm nhiệm, thời gian đầu tư cho hoạt động này còn hạn chế, thậm chí nhận thức của một số thành viên Ban VSTBPN còn chưa đầy đủ về vai trò nên chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong công tác VSTBPN. Hạn chế này cần được khắc phục ngay và về lâu dài, theo Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền, cần có quy định về vị trí việc làm đối với công tác này ở các đơn vị để có “cán bộ chuyên trách, am hiểu về kiến thức giới và BĐG”, nhất là đội ngũ cán bộ xây dựng pháp luật và thành viên của các Ban VSTBPN ở các đơn vị, để thực hiện kỹ năng lồng ghép giới trong hoạch định chính sách và các hoạt động chuyên môn của Ngành.

Ngoài ra, theo Tổ giúp việc Ban VSTBPN, do chưa có cơ sở pháp lý thống nhất để thực hiện phối hợp trong việc đánh giá việc lồng ghép các vấn đề BĐG trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được xác định của nội dung liên quan đến BĐG hoặc có vấn đề bất BĐG, phân biệt đối xử về giới nên việc thực hiện thẩm định, đánh giá tác động giới và lồng ghép vấn đề BĐG trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, hạn chế này sẽ sớm được khắc phục vì theo chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền, trong 6 tháng cuối năm sẽ tích cực hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền ban hành Bộ Công cụ lồng ghép giới trong xây dựng văn bản qui phạm pháp luật…

Huy Anh

Theo Quyết định 1513/QĐ-BTP vừa được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký ban hành (thay thế Quyết định số 1077/QĐ-BTP), Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBPN) ngành Tư pháp có 15 thành viên do Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền làm Trưởng ban và Tổ giúp việc 10 người. Ban VSTBPN ngành Tư pháp có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện hoạt động về bình đẳng giới (BĐG) và VSTBPN ngành Tư pháp, trong đó có các nhiệm vụ chủ trì soạn thảo các kế hoạch hành động về BĐG và VSTBPN ngành Tư pháp trình Bộ trưởng phê duyệt; hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về BĐG và VSTBPN ngành Tư pháp và lồng ghép hoạt động về BĐG và VSTBPN ngành Tư pháp trong các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của Ngành; tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với phụ nữ và BĐG…

6 tháng đầu năm, Đảng bộ Bộ Tư pháp đã kết nạp 29 Đảng viên nữ (đạt tỷ lệ 69%); 6 công chức nữ được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo cấp Vụ (đạt tỷ lệ 45,45%), 51 công chức nữ được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo cấp Phòng (chiếm 57,95%),  nâng tổng số lãnh đạo là nữ ở cấp Vụ lên 26 người (đạt tỷ lệ 17%), cấp Phòng lên 171 người (đạt tỷ lệ 54,63%). Số công chức nữ được qui hoạch lãnh đạo cấp Phòng, cấp Vụ giai đạn 2016-2021 và những năm tiếp theo của Bộ đều đtạ trên 50%.

(Nguồn: Ban VSTBPN ngành Tư pháp)


Hồng Minh