Phương hướng hoàn thiện pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm và kinh nghiệm quốc tế trong việc nhận tài sản bảo đảm là động sản

26/06/2013
Phương hướng hoàn thiện pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm và kinh nghiệm quốc tế trong việc nhận tài sản bảo đảm là động sản
Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường giải quyết nợ xấu, Bộ Tư pháp phối hợp với Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo “Phương hướng hoàn thiện pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm và kinh nghiệm quốc tế trong việc nhận tài sản bảo đảm là động sản”. Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đã đến dự và chỉ đạo Hội thảo.

Trong thời gian qua, pháp luật về giao dịch bảo đảm đã có sự hoàn thiện về căn bản. Pháp luật về giao dịch bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tất cả các lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và tín dụng đã được thống nhất. Tăng cường quyền tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận, tự chịu trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch bảo đảm, đồng thời đã đơn giản hóa thủ tục giao kết, thực hiện hợp đồng bảo đảm. Việc nhận bảo đảm bằng động sản hữu hình và vô hình của con nợ tồn tại dưới dạng quyền tài sản, hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh được khuyến khích và tạo cơ chế thuận lợi. Công khai hoá các giao dịch bảo đảm cho mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu và quy định cụ thể hơn về thứ tự ưu tiên thanh toán của chủ nợ có bảo đảm tại trên cơ sở Điều 325 Bộ luật Dân sự 2005.

Bên cạnh những kết quả đạt được, pháp luật hiện hành về giao dịch bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm và thực tiễn xử lý tài sản bảo đảm vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Nhằm giúp các tổ chức tín dụng nhanh chóng thu hồi nợ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ có bảo đảm trong sự hài hòa lợi ích của các bên khác có quyền và lợi ích liên quan, trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật giao dịch bảo đảm trong đó có các quy định về xử lý tài sản bảo đảm. Việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, trên cơ cở tôn trọng những nguyên tắc đã được Bộ luật Dân sự quy định. Đơn giản hoá các thủ tục liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm, đặc biệt là thủ tục bán đấu giá tài sản. Loại bỏ các quy định mang tính hành chính, can thiệp sâu vào quá trình xử lý tài sản bảo đảm nhưng vẫn phải có cơ chế để tạo điều kiện cho bên nhận bảo đảm dễ dàng tiếp cận với tài sản bảo đảm, nhanh chóng xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Trước mắt, các Bộ, ngành liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về xử lý tài sản bảo đảm trong đó tập trung giải quyết một số “điểm nghẽn” trong hoạt động xử lý tài sản bảo đảm hiện nay như: vấn đề thu giữ tài sản bảo đảm, về xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp có sự thay đổi về hiện trạng do bên thế chấp hoặc người thứ ba đầu tư, về chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm cho người mua, người nhận chuyển nhượng… Nghiên cứu, sớm ban hành Nghị định về xử lý tài sản bảo đảm trên cơ sở pháp điển hóa Thông tư liên tịch giữa các Bộ và hoàn thiện các quy định về vấn đề này trong Nghị định số 163/2006/NĐ-CP. Rà soát, nghiên cứu pháp luật có liên quan về xử lý tài sản bảo đảm; từ đó kiến nghị bãi bỏ những quy định không phù hợp với thực tiễn hoặc hạn chế các chủ thể thiết lập, thực hiện các giao dịch bảo đảm, đề xuất sửa đổi bổ sung pháp luật hiện hành về xử lý tài sản bảo đảm.

Về lâu dài, Nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định của Bộ luật Dân sự 2005, Luật Đất đai 2003 và các văn bản pháp luật có liên quan về xử lý tài sản bảo đảm nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nợ có bảo đảm trong sự hài hòa lợi ích của các bên khác có quyền và lợi ích liên quan.

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền nhấn mạnh Hội thảo nhằm mục tiêu đánh giá khách quan, toàn diện về thực trạng pháp luật hiện hành về giao dịch bảo đảm. Các cơ quan quản lý, cơ quan hoạch định chính sách được nghe phản ánh trực tiếp về những vướng mắc của các tổ chức tín dụng khi tham gia vào quá trình xử lý tài sản, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp cho việc xử lý tài sản bảo đảm được nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả. Qua đó, cụ thể hoá nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần của Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo hướng “sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về bán, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay để giúp ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ nhanh chóng, thuận tiện…”