Thứ trưởng Hoàng Thế Liên chủ trì buổi làm việc về Chiến lược phát triển ngành Tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

07/06/2013
Thứ trưởng Hoàng Thế Liên chủ trì buổi làm việc về Chiến lược phát triển ngành Tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Sáng nay – 7/6, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên chủ trì buổi làm việc về Chiến lược phát triển ngành Tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Kế hoạch triển khai Đề án chiến lược, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.

Dự thảo Chiến lược (do Viện Khoa học pháp lý chủ trì xây dựng) xác định mục tiêu chung là “xây dựng ngành Tư pháp với mô hình tổ chức và chức năng phù hợp với yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN “của dân, do dân, vì dân”; hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả và đủ năng lực thực hiện tốt các chức năng được giao; góp phần đắc lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân”.

Dự thảo cũng đưa các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, giải pháp chung về xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; kiện toàn tổ chức, bộ máy; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; hiện đại hóa cơ sở vật chất và điều kiện làm việc; cũng như các giải pháp cụ thể cho giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Góp ý vào dự thảo Chiến lược, đại diện các đơn vị thuộc Bộ bày tỏ những quan tâm đến khả năng “quay lại thực tiễn” để phục vụ cho các công tác, nhiệm vụ, chức năng của Ngành, Bộ Tư pháp của các nội dung trong Chiến lược; sự tác động của các yếu tố và xu hướng phát triển trong đời sống chính trị pháp lý của nước nhà; nguyên lý về chủ trương xã hội hóa một số lĩnh vực dịch vụ pháp lý do ngành Tư pháp quản lý…. Một số ý kiến cho rằng, “không nên xây dựng thành Chiến lược mà chỉ xây dựng các Đề án phát triển về nhân lực, tổ chức và phát triển các dịch vụ tư vấn pháp lý mà ngành quản lý”.

Ghi nhận ý kiến của đại diện các đơn vị, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, xây dựng Chiến lược là cần thiết cho sự phát triển đồng bộ, bài bản của Bộ, ngành Tư pháp trong điều kiện sẽ có Hiến pháp sửa đổi, thực hiện cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, nhưng cần “tính toán thêm về cấp phê duyệt”. Thứ trưởng chỉ đạo, “Chiến lược sẽ được xây dựng để “giữ những gì đã có và phát triển ở tầm cao hơn” nên phải “rà lại trên cơ sở nghiên cứu phát triển và dự báo tầm nhìn để đưa ra những giải pháp nhẹ nhàng nhưng có tính đột phá hơn” như phát triển nguồn nhân lực là phải chuyên nghiệp, có tầm nhìn và khả năng hoạch định chính sách; làm tốt việc bảo đảm thực hiện được một số quyền tư pháp cơ bản của công dân theo hướng cải cách hành chính để tạo thuận lợi nhất cho dân, áp dụng công nghệ thông tin; tập trung vào chất lượng cán bộ thi hành án và những vấn đề còn tồn tại… từ đó có biện pháp điều hành chuyên nghiệp hóa, phối kết hợp và sự quan tâm của chính quyền địa phương về công tác thi hành án; tăng cường xã hội hóa một số lĩnh vực dịch vụ pháp lý mà “xã hội có thể tự làm”; phát triển hoạt động đào tạo,…

H.Giang