Đoàn cán bộ Bộ Tư pháp làm việc với Hội chữ thập đỏ quốc tế tại Hà Lan

31/05/2013
Nhân dịp tham gia chương trình đào tạo các kỹ năng lãnh đạo và quản lý hành chính công tại Hà Lan, ngày 29/5/2013, sau khi trao đổi với Giáo sư, Tiến sỹ Itzik Amiel về các vấn đề liên quan đến đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực quản lý công tại Trường Đại học Thương mại NyenRode Hà Lan, Đoàn cán bộ Bộ Tư pháp Việt Nam đã có buổi làm việc chính thức với Hội Chữ thập đỏ Quốc tế tại Hà Lan.

Đoàn Bộ Tư pháp Việt Nam đã thăm và làm việc, tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của Hội Chữ thập đỏ Quốc tế. Từ hình thành ban đầu là Ủy ban Quốc tế về chữ thập đỏ, Hội đã có mặt trên toàn thế giới nhằm bảo vệ nhân phẩm và quyền con người thông qua Luật Nhân đạo quốc tế. Giúp đỡ các gia đình sau chiến tranh, bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em. Đến năm 1990, thành lập Hiệp hội chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ hỗ trợ động đất, hỗ trợ di dân, bất ổn chính trị trên thế giới... Từ năm 1863, Hội Chữ thập đỏ Quốc tế mới bắt đầu được thành lập, đến năm 1967 Hội Chữ thập đỏ Hà Lan được thành lập. Đầu tiên có Hội đồng quốc tế để xử lý các vấn đề chung trên thế giới, trong Hội đồng quốc tế có Hiệp hội trăng lưỡi liềm đỏ để xử lý các vấn đề thiên nhiên, đến nay có 188 Hội chữ thập trăng lưỡi liềm đỏ trên toàn thế giới, hàng năm các Hội họp tại Geneva – Thụy Sỹ để bàn và xử lý đến các vấn đề về thiên nhiên. Hội chữ thập đỏ Hà Lan có 30.000 tình nguyên viên. Các hoạt động hỗ trợ ban đầu như hỗ trợ thuốc men, thiết bị y tế và xây dựng nhà diễn ra, hỗ trợ giúp đỡ các gia đình bị ly tán do chiến tranh, bất ổn chính trị…thực hiện các hoạt động cứu trợ quốc tế tại Nhật Bản, Afghanistan,…

Năm 2013, Hội chữ thập đỏ Quốc tế kỷ niệm tròn 10 năm có mặt và làm việc tại Việt Nam. Trước năm 2003, Hội chữ thập đỏ Hà Lan có những hoạt động hỗ trợ cho Việt Nam và đến năm 2003 chính thức thành lập một Văn phòng đại diện tại Hà Nội - Việt Nam để thực hiện các Dự án hợp tác quy mô lớn. Hầu hết các Dự án của Hội chữ thập đỏ Hà Lan tại Việt Nam tập trung vào các hoạt động quản lý rủi ro thảm họa dự vào cộng đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu, đến năm 2013 đã có 111 xã ở Việt Nam nhận được sự hỗ trợ trực tiếp này liên quan đến các hoạt động trên. Thực tế trước năm 2003, các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam ít được mọi người biết đến, đến nay qua sự hỗ trợ của Hội chữ thập đỏ Hà Lan và một số Dự án do Ủy ban Châu Âu hỗ trợ, nhiều người Việt Nam biết đến các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Hà Lan cũng đã tập trung vào việc hỗ trợ thúc đẩy công tác lập kế hoạch và phân tích có sự tham gia và vận động chính sách nhằm đẩy mạnh việc lồng ghép các nhóm dễ bị tổn thương vào hoạt động quản lý thiên tai tại Việt Nam. Cung cấp các Dự án hỗ trợ nước sạch cho các vùng nông thôn, công tác vệ sinh, hoạt động hiến máu vì cộng đồng…tại Việt Nam.

Đoàn cán bộ Bộ Tư pháp cũng dành nhiều thời gian tìm hiểu về các nội dung chính của Luật Nhân đạo quốc tế. Luật Nhân đạo quốc tế được hình thành giữa các quốc gia ký kết công ước - Công ước Geneva. Luật Nhân đạo quốc tế khác với Luật Nhân quyền. Luật Nhân quyền quy định các vấn đề liên quan đến quyền con người trong thời bình. Luật Nhân đạo quốc tế tập hợp quy tắc nhằm giảm thiểu thiệt hại trong các xung đột vũ trang, quy định các vấn đề liên quan nạn nhân, tù binh chiến tranh, giảm thảm họa chiến tranh đối với con người. Luật Nhân đạo quốc tế cân bằng giữa việc sử dụng quân đội với vấn đề nhân đạo, nhằm bảo vệ dân thường và tù binh chiến tranh, các cuộc chiến tranh sử dụng chất độc da cam cũng được điều chỉnh trong Luật này.