Hội nghị sơ kết 03 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

29/05/2013
Hội nghị sơ kết 03 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Ngày 28/5, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN). Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ, đại diện các cơ quan Trung ương, pháp chế các Bộ, ngành và các cơ quan tư pháp địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ nhấn mạnh: Luật TNBTCNN là một điểm nhấn quan trọng trong hệ thống pháp luật của nước ta, là một bước tiến lớn trong quá trình xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân. Việc ban hành Luật có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của các bộ, công chức gây ra; góp phần tăng cường ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

 

Báo cáo kết quả 3 năm triển khai thi hành Luật TNBTCNN, ông Nguyễn Thanh Tịnh – Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Bộ Tư pháp cho biết:  việc Luật và các văn bản hướng dẫn được triển khai thực hiện đã phát huy hiệu quả trên thực tế, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc thiết lập cơ chế đặc thù để cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp thực hiện quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra. Người bị thiệt hại đã có ý thức hơn trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình khi yêu cầu bồi thường trong cả ba lĩnh vực là quản lý hành chính, tố tụng  và thi hành án. Các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thực hiện việc giải quyết bồi thường theo đúng quy định của pháp luật. Ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ từng bước nâng cao, tránh được nhiều sai sót, vi phạm khi thi hành công vụ, từ đó có thể khẳng định Luật TNBTCNN đã dần từng bước đi vào cuộc sống.

Trong quá trình triển khai thi hành Luật, các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương đã có sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường, giải quyết bồi thường, bảo đảm việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

 

 

Kết quả hoạt động giải quyết bồi thường trong 3 năm qua cho thấy, Luật TNBTCNN đã đáp ứng yêu cầu và mục tiêu tạo cơ chế khả thi để người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường; đồng thời bảo đảm sự ổn định trong hoạt động công vụ, bảo đảm giải quyết hài hòa lợi ích giữ một bên là Nhà nước, cơ quan Nhà nước, người thi hành công vụ với một bên là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại. Hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường từng bước được kiện toàn đã thúc đẩy công tác triển khai thi hành Luật, bảo đảm tính khả thi trong việc tổ chức, cá nhân thực hiện quyền yêu cầu bồi thường và tính hiệu quả của hoạt động giải quyết bồi thường.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường biểu dương những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác bồi thường nhà nước trong việc giúp Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ mới mẻ nhưng vô cùng có ý nghĩa này. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ: bên cạnh những thành quả đạt được, công tác này vẫn còn những tồn tại hạn chế nhất định, làm hạn chế hiệu quả thực thi một chính sách rất nhân đạo và hướng tới người dân của Đảng và Nhà nước: việc xây dựng văn bản hướng dẫn Luật vẫn còn độ trễ nhất định, vẫn để xảy ra tình trạng Luật chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư, đến nay một số văn bản hướng dẫn vẫn chưa được ban hành; Việc kiện toàn bộ máy biên chế chưa được xứng tầm mà Chính phủ, Quốc hội đã đề ra; Công tác giải quyết yêu cầu bồi thường còn bất cập…

 

 

Trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, hướng tới xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay, công tác bồi thường nhà nước sẽ càng trở thành quan trọng và cần được đầu tư thích đáng. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị tại Hội nghị sơ kết này, các đại biểu sẽ tập trung nhận diện rõ những hạn chế, bất cập và nguyên nhân để qua đó đề ra những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới. Bộ trưởng nhấn mạnh vào năm vấn đề lớn là: nâng cao nhận thức hơn nữa về ý nghĩa chính trị, pháp lý của công tác bồi thường nhà nước đối với người dân; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm ban hành các Thông tư liên tịch trong lĩnh vực này; chú trọng tới một trong mục tiêu quan trọng là qua công tác bồi thường để đề xuất hoàn thiện pháp luật, tăng cường thực thi công vụ; quan tâm tăng cường biên chế cho công tác này; sớm hoàn thiện báo cáo sơ kết để trình Chính phủ, Quốc hội những vấn đề cần kiến nghị, giải quyết.

 

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã tập trung đánh giá tình hình công tác triển khai thi hành Luật TNBTCNN; những thuận lợi, khó khăn và bất cập trong quá trình triển khai thi hành Luật, từ đó bàn giải pháp thúc đẩy việc triển khai thi hành Luật đạt hiệu quả, đồng thời xem xét kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao tính khả thi của Luật.