Hội thảo “Hỗ trợ pháp lý miễn phí cho xã hội”

31/05/2013
Hội thảo “Hỗ trợ pháp lý miễn phí cho xã hội”
Triển khai Kế hoạch hoạt động năm 2013 của Chương trình đối tác tư pháp do Phái đoàn liên minh Châu Âu, Đan Mạch, Thụy Điển tài trợ, sáng 31/5, Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng hỗ trợ kỹ thuật Chương trình Đối tác tư pháp (JPP) tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ pháp lý miễn phí cho xã hội”. Ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp và ông Franz Jensen, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Ủy ban Châu Âu đồng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về: Khung pháp lý về trợ giúp pháp lý (TGPL) của nhà nước và xã hội; các nguyên tắc về TGPL và các tác động của nó tại một số nước; TGPL cho đối tượng đặc thù; đào tạo và tiêu chuẩn người thực hiện TGPL; quan hệ kết nối giữa TGPL với hiệu quả của luật sư chỉ định; nghĩa vụ của TGPL miễn phí của luật sư…

   

Trợ giúp pháp lý là một chính sách lớn của Việt Nam ra đời từ năm 1997 trên cơ sở Quyết định 734/TTg ngày 6/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Qua gần 16 năm phát triển, hoạt động TGPL đã nâng cao nhận thức, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo và các đối tượng yếu thế khác trong xã hội, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, bảo đảm cầu nối giữa Nhà nước và người dân. Trong công cuộc cải cách tư pháp, cải cách hành chính và hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhu cầu về dịch vụ pháp lý nói chung và trợ giúp pháp lý nói riêng ngày càng phát triển. Chế định TGPL thực sự là chế định không thể thiếu được trong nhà nước pháp quyền XHCN. Một trong các tiêu chí của nhà nước pháp quyền là quyền bình đẳng trong tiếp cận công lý, bất kể là người giàu hay nghèo đều được pháp luật bảo vệ như nhau.

   

Hiện nay, đã có 63 Trung tâm TGPL nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 201 chi nhánh tại các huyện hoặc liên huyện. Ngoài ra có 260 tổ chức hành nghề luật sư và 57 Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp đăng ký tham gia TGPL. Qua thời gian triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý, các tổ chức thực hiện TGPL trong cả nước đã thực hiện được 609.599 vụ việc cho tổng số 627.797 người thuộc diện TGPL. Trong đó có 170.081 người nghèo, 87.676 người thuộc diện chính sách, 8.025 người già, 3.288 người tàn tật, 143.921 người dân tộc, 26.017 trẻ em và 188.789 người thuộc các đối tượng khác.

   

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên khẳng định hoạt động TGPL đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào sự nghiệp an sinh xã hội và ổn định xã hội của Đảng và nhà nước Việt Nam, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, dân tộc thiểu số, những người thuộc đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người khuyết tật. Tuy nhiên, công tác TGPL ở Việt Nam đang gặp một số khó khăn, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu tổng kết thực tiễn và đổi mới. Hệ thống TGPL hiện hành phù hợp với giai đoạn đầu mới thành lập, khi Việt Nam là một nước nghèo, nguồn vốn ODA hỗ trợ cho hoạt động này khá lớn. Hiện nay, nguồn ngân sách vô cùng hạn hẹp cho hoạt động TGPL, không đủ để bảo đảm cho hoạt động của bộ máy TGPL nhà nước. Bộ Tư pháp đang nghiên cứu xây dựng Đề án đổi mới công tác TGPL trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2014, trong đó cần nghiên cứu các vấn đề bất cập, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung về thể chế, chính sách TGPL bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

   

Thứ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh tăng cường hợp tác về tư pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp; huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội tham gia TGPL, công tác TGPL đang cần sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong việc cung cấp vật lực, trí lực, tài lực để nghiên cứu mô hình TGPL một cách bài bản, toàn diện nhằm xây dựng mô hình TGPL ở Việt Nam phù hợp với điều kiện cụ thể ở Việt Nam và hội nhập quốc tế.

Hội thảo là diễn đàn bổ ích tăng cường sự liên kết và trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trong hoạt động TGPL.