Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn nghe báo cáo về xây dựng Hệ thống thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, kết quả giải quyết thủ tục hành chính

06/06/2013
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 20/2008/NĐ-CP về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, kết quả thu được đã bước đầu phát huy vai trò của một “kênh” thông tin, tập hợp những quy định hành chính còn vướng mắc. Tuy nhiên, thực trạng những phản ánh, kiến nghị của người dân đối với những thủ tục hành chính (TTHC) gây phiền hà không có hồi âm lại diễn ra khá phổ biến, đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục.

“Rơi vào hư không”

Điển hình cho thực trạng những phản ánh, kiến nghị của người dân luôn bị lãng quên chính là vụ kiến nghị của công dân tổ 14 thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội về thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ giữa năm 2011, TP Hà Nội đã chỉ đạo UBND huyện Từ Liêm tiến hành kiểm tra, xem xét giải quyết quyền lợi hợp pháp của công dân tổ 14 thị trấn Cầu Diễn. Tuy nhiên, phải mất đến hơn một năm sau huyện Từ Liêm mới ra được văn bản báo cáo số 1003/UBND-TNMT xin ý kiến của UBND TP Hà Nội để giải quyết đơn khiếu nại của công dân. Nực cười ở chỗ, văn bản này lại bị “thất lạc” trên hành trình vận chuyển dài chưa đầy 10km đến trụ sở UBND TP Hà Nội

Ngày 19/10/2012, ông Phạm Chí Công - Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội - đã ký công văn số 8335 gửi UBND huyện Từ Liêm yêu cầu làm rõ nội dung liên quan đến việc chậm cấp sổ đỏ cho các hộ dân sinh sống tại tổ 14 thị trấn Cầu Diễn. Theo đó khẳng định, qua kết quả kiểm tra sơ bộ, UBND TP, Sở Tài nguyên và Môi trường không nhận được văn bản số 1003/UBND-TNMT của UBND huyện Từ Liêm. Nội dung công văn nêu rõ chỉ đạo của UBND TP Hà Nội là “giao UBND huyện Từ Liêm kiểm tra và thông tin việc giải quyết kiến nghị của công dân xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nằm ngoài phạm vi khu đất mà Nhà nước đã có quyết định thu hồi, báo cáo kết quả về UBND TP”. Mặc dù vậy, gần đây nhất, các hộ dân thuộc tổ 14 thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm vẫn chưa nhận được thêm văn bản hồi âm nào của TP Hà Nội, hoặc UBND huyện Từ Liêm.

Để chấn chỉnh, ngăn chặn những hành vi của tổ chức, cá nhân gây phiền hà cho nhân dân trong quá trình thực hiện TTHC, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2008/NĐ-CP về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính. Sau gần 5 năm thực hiện Nghị định 20, nhất là khi công tác này được triển khai thực hiện trong hệ thống cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC từ trung ương đến địa phương, đã bước đầu phát huy vai trò của một “kênh” thông tin, tập hợp và nghiên cứu những sáng kiến cải cách, phương án đơn giản hóa quy định, TTHC, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính theo Nghị định số 20 tại các Bộ, ngành, địa phương còn thủ công, sơ sài, không kịp thời phát hiện, chỉ đạo xử lý những trường hợp cán bộ, công chức giải quyết TTHC kéo dài hoặc có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức trong thực hiện TTHC… Bên cạnh đó, việc tiếp cận của cá nhân, tổ chức về quá trình giải quyết TTHC của các cơ quan cũng còn nhiều hạn chế.

Sẽ công khai giải quyết qua mạng

Một trong những giải pháp đang được Bộ Tư pháp tính đến là xây dựng Hệ thống thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, kết quả giải quyết TTHC. Không chỉ hiện đại hóa công tác kiểm soát TTHC, góp phần xây dựng chính phủ điện tử và thống kê báo cáo kết quả giải quyết TTHC cho Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các cấp, Hệ thống này hướng tới mục tiêu cao hơn là thiết lập kênh đối thoại giữa cơ quan Nhà nước và cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; tăng cường công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm soát TTHC. Dự kiến đến giữa năm 2014 sẽ xây dựng và thử nghiệm phần mềm của Hệ thống thông tin (phần mềm hoạt động trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC). Như vậy, việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, kết quả giải quyết TTHC sẽ được đăng tải công khai trên mạng.

Tại cuộc họp ngày 4/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn lưu ý, Hệ thống thông tin cần được thiết kế để có thể tiếp nhận tất cả phản ánh, kiến nghị bằng các hình thức khác nhau từ văn bản, điện thoại, thư điện tử. Khi các phản ánh, kiến nghị được tiếp nhận thì phải công khai để mọi người đều biết. “Quan trọng là những phản ánh, kiến nghị phải có hồi âm để người dân theo dõi, tức là thể hiện rõ được quy trình xử lý phản ánh, kiến nghị của dân” – Thứ trưởng Lê Hồng Sơn nhấn mạnh. Ngoài ra, để tăng “sức mạnh” trong tổ chức thực hiện thì không chỉ có Bộ Tư pháp “vào cuộc” mà cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cẩm Vân

Qua số liệu báo cáo của Bộ, ngành, địa phương về triển khai Nghị định số 20/2008/NĐ-CP, từ năm 2011 đến hết quý I năm 2013, các Bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận 1.692 phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, trong đó, Bộ, ngành tiếp nhận 787 phản ánh, kiến nghị; địa phương tiếp nhận 905 phản ánh, kiến nghị.