Tổ chức mô hình cơ quan thi hành án dân sự theo khu vực, nên hay không?

04/06/2013
Tổ chức mô hình cơ quan thi hành án dân sự theo khu vực, nên hay không?
Chiều 03/6, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Dự án JICA, Nhật Bản khai mạc Tọa đàm mô hình cơ quan thi hành án dân sự (THADS) khu vực với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện một số cơ quan Trung ương và cơ quan THA địa phương. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành, ông Nishioka Takeshi, Cố vấn trưởng Dự án JICA tại Việt Nam cùng dự Tọa đàm.

Mô hình cơ quan THADS có phải tương thích với mô hình Tòa án?

Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ cần phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và hoàn thiện tổ chức, bộ máy của các cơ quan tư pháp, trong đó đặt trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân theo hướng “Tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, gồm tòa án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện…”

 

 

Hệ thống cơ quan THA dân sự có mối liên quan mật thiết đến Tòa án nên khi Nhà nước tổ chức lại cơ quan tòa án cấp sơ thẩm thì cần phải nghiên cứu, xác định rõ có nhất thiết phải tổ chức lại mô hình cơ quan THA theo mô hình khu vực như Tòa án hay chỉ cần sử đổi, bổ sung thẩm quyền, kinh phí, cơ sở vật chất… Tất cả các vấn đề này cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo sự chủ động khi tổ chức, hoạt động của Tòa án có sự thay đổi.

Vẫn còn những quan điểm trái chiều

Đối với cơ quan THADS, hiện nay chưa có chủ trương nào về việc có áp dụng mô hình tổ chức theo vực. Vẫn còn nhiêu quan điểm trái chiều xoay quanh câu hỏi đặt ra là nếu Tòa án được tổ chức theo khu vực thì cơ quan THADS có nên được tổ chức theo khu vực hay không.

 

 

Một số đại biểu tham dự Tọa đàm cho rằng nên thành lập cơ quan THADS theo khu vực vì như vậy sẽ tạo sự tương thích, gắn kết, phối hợp công tác giữa Tòa án và cơ quan THA trên cùng đại bàn, đồng thời bố trí cơ quan và cán bộ THA phù hợp với khối lượng công việc, gọn đầu mối chỉ đạo, gọn bộ máy, không khuôn cứng tổ chức  theo địa giới hành chính.

Những ý kiến ủng hộ quan điểm này cho rằng điều quan trọng là quy định pháp luật chặt chẽ, rõ ràng về thẩm quyền, phạm vi công việc và trách nhiệm của cơ quan THADS từng cấp cũng như cơ chế giám sát của nhân dân và các cơ quan dân cử, cơ chế kiểm tra trong nội bộ hệ thống THA và kiểm soát của các cơ quan tư pháp đối với hoạt động THADS thì tính độc lập và hiệu quả của công tác này sẽ được đảm bảo tốt.

 

 

Ngược lại, nhiều đại biểu lại nhận định không nên thành lập cơ quan THADS theo khu vực vì bản chất của công tác THA là phải gắn với chính quyền địa phương, với điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của địa phương và đời sống người dân. THA mà không có sự phối hợp của chính quyền địa phương thì khó làm tốt được. Nghị quyết 49 đề cập đến thành lập Tòa án khu vực – là trung tâm của hệ thống tư pháp, còn cơ quan THADS là cơ quan hành chính tư pháp, vì vậy không cần thành lập cơ quan THADS theo khu vực, THA quá độc lập với chính quyền càng khó hoàn thành công việc. Quan điểm này nhận được nhiều ý kiến ủng hộ vì về phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có tính khả thi, đồng thời đảm bảo sự ổn định về tổ chức của cơ quan THADS.

Với hai quan điểm khác nhau như vậy, các đại biểu tham dự Tọa đàm đã nêu lên nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, tập trung làm rõ cơ sở pháp lý để tổ chức cơ quan THADS theo khu vực phù hợp với việc tổ chức lại Tòa án nhân dân theo khu vực; ưu nhược điểm mà  của việc tổ chức hay không tổ chức cơ quan THADS theo khu vực…