Thứ trưởng Lê Hồng Sơn làm việc với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang Nga

20/05/2013
Thứ trưởng Lê Hồng Sơn làm việc với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang Nga
Nhân dịp tham dự Diễn đàn pháp lý quốc tế lần thứ ba tại Xanh Pê-téc-bua, ngày 16/5/1013 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn đã có cuộc gặp với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang Nga Trav-nhi-kov M.A.

Tại cuộc gặp, Thứ trưởng Lê Hồng Sơn và Thứ trưởng Trav-nhi-kov đã trao đổi về việc triển khai các hoạt động hợp tác đã được thống nhất theo Chương trình hợp tác giai đoạn 2013-2014 vừa được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Hai bên cùng nhất trí cho rằng trong thời gian tới, các hoạt động hợp tác cần được thực hiện theo hướng thiết thực và hiệu quả hơn. Theo đó, việc tổ chức trao đổi đoàn cần được tổ chức thường xuyên hơn với việc lựa chọn những nội dung phù hợp liên quan chặt chẽ đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên. Bộ Tư pháp Liên bang Nga sẵn sàng chia sẻ với Bộ Tư pháp Việt Nam những kinh nghiệm trong hoạt động xây dựng pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, kiểm soát việc ban hành và thực hiện đăng ký văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành… Đồng thời, phía Nga cũng sẽ thu hút các nhà khoa học, chuyên gia pháp lý của Liên bang Nga tham gia vào các hoạt động hợp tác với Bộ Tư pháp Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang Nga đã dành phần lớn thời gian để chia sẻ thông tin về hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, kiểm soát việc ban hành  thông tư của các Bộ, ngành tại Liên bang Nga. Để có hệ thống pháp luật minh bạch,  gần dân, khả thi, hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, Liên bang Nga xác định công tác theo dõi việc thi hành pháp luật, kiểm soát việc ban hành thông tư là nhiệm vụ quan trong trong thể chế nhà nước pháp quyền.

Nội dung theo dõi việc thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp Liên bang Nga  tập trung vào các vấn đề sau:

Thứ nhất, thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay ở Liên bang Nga một số văn bản được ban hành trong thời kỳ Liên bang Xô viết vẫn còn hiệu lực.  Do vậy, cần phải rà soát, tìm ra các quy định không còn phù hợp để đề xuất bãi bỏ, các quy định còn phù hợp sẽ được đề xuất đưa vào hệ thống pháp luật của Liên bang Nga.

Thứ hai, đánh giá hiệu quả của văn bản được ban hành. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang Nga cho rằng, nhiệm vụ này vô cùng quan trọng và gặp nhiều khó khăn khi triển khai, do vậy đòi hỏi có sự hợp tác tích cực từ phía người dân, doanh nghiệp – các đối tượng trực tiếp thực thi văn bản. Nếu nhiệm vụ này được thực hiện tốt, sẽ tạo lập được mối quan hệ từ phía cơ quan nhà nước nói chung, cơ quan ban hành văn bản nói riêng và đối tượng trực tiếp thực thi pháp luật. Đây là điều kiện tiên quyết góp phần tạo nên sự tin tưởng của người dân đối với Nhà nước, góp phần làm cho hệ thống pháp luật khả thi hơn.

Hiện nay ở Liên bang Nga tất cả văn bản quy phạm pháp luật đều được đăng tải trên các trang thông tin điện tử. Trong số đó, hai trang Garant và Konsultant là hai địa chỉ đăng tải đầy đủ các văn bản, đồng thời là nơi tiếp nhận các phản hồi từ phía người dân, doanh nghiệp trong toàn bộ quá trình thực thi các văn bản. Các kiến nghị từ phía người dân, doanh nghiệp sẽ được gửi về Bộ Tư pháp để xem xét  và đưa vào Báo cáo tình hình thi hành pháp luật hàng năm.

 

Về nhiệm vụ kiểm soát và đăng ký thông tư do Bộ trưởng ban hành: xuất phát từ tình hình thực tế hiện nay, nhiều quy định trong luật, văn bản của Chính phủ còn mang tính định hướng, một số quy định vẫn chung chung. Để các văn bản này đi vào cuộc sống phải cần đến việc ban hành thông tư. Thông thường, các quy định trong thông tư liên quan trực tiếp và được người dân, doanh nghiệp trực tiếp thi hành. Do vây, cần có cơ chế để kiểm soát việc ban hành thông tư. Theo quy định, nhiệm vụ kiểm soát, đăng ký thông tư được giao cho Bộ tư pháp. Quy trình được tiến hành theo các bước: sau khi ban hành, Thông tư được gửi đến Bộ Tư pháp. Trong thời hạn 30 ngày, Bộ Tư pháp tiến hành nghiên cứu, đánh gía, quyết định việc đăng ký thông tư. Nội dung đánh giá được tập trung vào: sự phù hợp của thông tư với Hiến pháp, với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành. Điểm đặc biệt lưu ý là các quy định trong thông tư phái được kiểm tra để bảo đảm không tạo kẽ hở cho tham nhũng. Ký thuật lập pháp cũng là một trong ba nội dung đánh giá. Trường hợp thông tư đáp ứng 3 nội dung trên sẽ được Bộ Tư pháp đăng ký. Trường hợp không đáp ứng, văn bản đánh giá sẽ được gửi đến cơ quan ban hành để sửa dổi, bổ sung hoặc hủy bỏ. Như vậy, về nguyên tắc, Bộ Tư pháp chỉ tiến hành kiểm tra sau văn bản, việc kiểm tra trước được thực hiện bởi một đợn vị của cơ quan ban hành  văn bản.

Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ Pháp luật Hình sự - hành chính.