Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp cho ý kiến về một số vấn đề liên quan đến Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

16/05/2013
Vừa qua, Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp đã có cuộc họp nghe báo cáo về mục tiêu, quan điểm, một số định hướng lớn trong xây dựng Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và cho ý kiến về một số vấn đề mà Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự năm 2005 cần xin ý kiến.

Báo cáo Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Dương Đăng Huệ (thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự năm 2005) cho biết: Qua tổng kết thi hành, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã đóng vai trò là một trong các văn bản pháp lý quan trọng của Nhà nước ta trong việc tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền tài sản, quyền nhân thân của các chủ thể trong giao dịch dân sự, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Huệ cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập của Bộ luật này. Cụ thể là, chưa xác định được một cách nhất quán vị trí, vai trò của Bộ luật Dân sự với tư cách là nền tảng pháp lý (luật chung) của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự (luật tư); chưa quy định quyền tài sản theo một hệ thống lý luận khoa học, thống nhất; chưa quy định việc áp dụng tập quán khi đã có quy định của pháp luật; chưa khắc phục được tính phân biệt đối xử, chưa thể hiện được một cách triệt để nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ dân sự. Ngoài ra, còn có một số vấn đề về các quy định liên quan đến chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; về tài sản và quyền sở hữu; về giao dịch dân sự, nghĩa vụ và hợp đồng; về thời hiệu; về thừa kế.

Chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình soạn thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), ông Huệ nêu các quan điểm xây dựng Dự án Luật và nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Bộ luật “với tư cách là nền tảng pháp lý cơ bản (luật chung) của hệ thống luật điều chỉnh các quan hệ xã hội có các chủ thể bình đẳng tham gia (quan hệ tư), đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn trong việc công nhận, thực hiện và bảo vệ các quyền dân sự, góp phần phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta”.

Đối với các vấn đề xin ý kiến Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp, theo ông Huệ thì có 3 vấn đề liên quan đến kết cấu của Bộ luật Dân sự. Một là, thay “Phần Tài sản và quyền sở hữu” thành “Phần Vật quyền”, “Phần Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự” thành “Phần Trái quyền”. Hai là, không tái kết cấu “Quy định về chuyển quyền sử dụng đất” (Phần thứ năm của Bộ luật Dân sự năm 2005), “Quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ” (Phần thứ sáu của Bộ luật Dân sự năm 2005) thành các phần của Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Ba là, không kết cấu các quy định về gia đình là một phần của Bộ luật Dân sự.

Về 3 vấn đề trên, đa số các thành viên Hội đồng đều tán thành với vấn đề thứ hai nhưng kiến nghị “nếu đã có luật chuyên ngành thì cần cô đọng lại, chứ không bỏ hoàn toàn ra khỏi Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Riêng vấn đề thứ nhất, nhiều ý kiến không đồng tình với việc “đổi tên” các Phần này bởi cho rằng sẽ khiến người dân khó nắm bắt các quy định đã quen thuộc lâu nay… Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đề nghị, nên có một phần riêng về quyền nhân thân trong bối cảnh các quy định về quyền nhân thân hiện nay đang rất được dư luận quan tâm. Ngoài ra, có ý kiến lại cho rằng không cần kết cấu Phần Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài vào Bộ luật Dân sự (sửa đổi) mà chỉ quy định chung “thế nào là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài hay áp dụng pháp luật trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” và đưa vào Phần thứ nhất: Những quy định chung trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi)…

Phát biểu kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên bày tỏ quan điểm về một số vấn đề cụ thể. Chẳng hạn, về đề xuất bỏ Tổ hợp tác, hộ gia đình, theo Thứ trưởng Liên, sẽ vướng về thực tế pháp lý và vấn đề chính trị nên tới đây cần quy định rõ hơn. Thứ trưởng Liên cũng đồng tình nên nghiên cứu kỹ hơn về quyền nhân thân để có thể quy định đầy đủ các loại quyền, cơ chế thực thi - “Điều này rất thuận lợi trong bối cảnh Hiến pháp sửa đổi có chương quy định về quyền con người, Ban soạn thảo có thể nghiên cứu các quyền về dân sự để xem xét quy định phù hợp trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi)...

Cẩm Vân