Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm mô hình cơ quan bảo hiến của Cộng hòa Pháp

09/05/2013
 Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm mô hình cơ quan bảo hiến của Cộng hòa Pháp
Sáng qua – 8/5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm mô hình cơ quan bảo hiến của Cộng hòa Pháp với sự tham dự của nhiều chuyên gia đến từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Đại học quốc gia Hà Nội...

Khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết, Hiến pháp năm 1992 ghi nhận nhiều đổi mới quan trọng của nền kinh tế. Hơn 20 năm tổ chức thi hành đất nước đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên ngày càng hội nhập sâu Hiến pháp đã bộc lộ một số hạn chế gây cản trở cho sự phát triển kinh tế xã hội nên cần sửa đổi để là văn bản pháp lý khẳng định chủ quyền nhân dân. Để thông qua Hiến pháp nhân dân giao quyền lực cho Nhà nước thực hiện bảo vệ quyền con người, quyền công dân, thành quả cách mạng; phân công quyền lực nhà nước, tạo cơ chế giám sát thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Điểm mới là bổ sung yếu tố kiểm soát quyền lực vào nguyên tắc tổ chức nhà nước. Hiến pháp đặt cơ sở hiến định tạo dựng cơ chế pháp lý hữu hiệu để kiểm soát quyền lực nhà nước từ 3 phía: giữa các cơ quan quyền lực với nhau (kiểm soát nội bộ); từ phía nhân dân và tổ chức xã hội qua việc ghi nhận quyền dân chủ trực tiếp ngày càng mạnh mẽ; thiết lập một thiết chế hiến định độc lập chuyên nghiệp kiểm soát quyền lực nhà nước (thành lập các cơ quan bảo hiến).

Mặc dù thống nhất cần có cơ quan bảo hiến song còn nhiều ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức cơ quan này. Có ý kiến đề nghị thành lập Tòa án hiến pháp, có ý kiến đề nghị giao nhiện vụ bảo hiến cho tòa án tối cao. Nhiều ý kiến đồng tình với mô hình Hội đồng Hiến pháp (đang được đề xuất trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992) nhưng cần giao thẩm quyền cho thiết chế này mạnh mẽ hơn.

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết, “điểm vướng trong tư duy và nhận thức về Hiến pháp ở chỗ Hiến pháp vẫn theo đuổi nguyên tắc quyền lực tập trung, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nên cũng có “cản trở” việc thiết kế thiết chế bảo hiến”. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vẫn đang được lấy ý kiến góp ý nghĩa là “mọi việc đang trong trạng thái “mở” nên vẫn yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, giúp việc tiếp tục nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nước ngoài về cơ chế này”. Vì thế, Thứ trưởng khẳng định, Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia pháp lý và Hiến pháp Việt Nam học hỏi thêm kinh nghiệm từ Cộng hòa Pháp – quốc gia đang có cơ chế bảo hiến theo mô hình Hội đồng Hiến pháp.

Diễn giả trong Hội thảo, ông Olivier Dutheillet de Lamothe (Thành viên danh dự Hội đồng bảo hiến Cộng hòa Pháp) đã giới thiệu cụ thể về hoạt động và tổ chức của Hội đồng Hiến pháp của Pháp cũng như đã giải đáp nhiều vấn đề liên quan được các chuyên gia Việt Nam đưa ra nhằm hiểu rõ hơn về thiết chế đặc biệt mà Việt Nam đang dự kiến thiết lập và quy định trong Hiến pháp sửa đổi./.

H.Giang, ảnh Phạm Hậu


Phạm Hậu - Vụ PLHSHC