Họp phiên thứ tư Ban Soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000

17/05/2013
Họp phiên thứ tư Ban Soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000
Sáng 16/5, Ban Soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Dự án Luật) đã họp phiên thứ tư để xin ý kiến chỉ đạo đối với các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau, chuẩn bị hồ sơ trình Chính phủ vào tháng 6/2013. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường – Trưởng Ban soạn thảo chủ trì cuộc họp.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Dương Đăng Huệ (thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự án Luật) cho biết: Dự án Luật lần này gồm 9 Chương, 139 Điều, bổ sung 60 điều mới, trong đó hủy bỏ 26 điều và sửa đổi 57 điều của Luật Hôn nhân gia đình năm 2000. Với rất nhiều quy định mới như vậy, các vấn đề cần xin ý kiến của Ban Soạn thảo tại phiên họp lần này khá phức tạp, bao gồm phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật và 10 nội dung cụ thể (áp dụng phong tục tập quán trong hôn nhân gia đình; tuổi kết hôn, chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, ly thân, kết hôn giữa những người đồng giới tính…).

Về độ tuổi kết hôn, các thành viên Ban Soạn thảo vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số thành viên cho rằng nên quy định như hiện hành (nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên) để đảm bảo không xáo trộn thực tiễn thi hành nhiều năm qua. Tuy nhiên, quy định này lại không đồng bộ với quy định của Bộ luật Dân sự về người đã thành niên, quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về năng lực tham gia tố tụng của cá nhân, cũng như một số Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia. Hơn nữa, sự cải thiện đáng kể về chất lượng cuộc sống, sự phát triển về thể chất và đời sống tinh thần của người Việt Nam hiện nay đã bảo đảm cho công dân nam, nữ có thể kết hôn khi cả hai đã đủ 18 tuổi. Vì vậy, phương án quy định độ tuổi kết hôn từ đủ 18 tuổi trở lên đối với cả nam và nữ, hoặc nam từ đủ 18 tuổi trở lên, nữ từ đủ 20 tuổi trở lên được nhiều thành viên Ban Soạn thảo đồng tình.

 

 

Quy định về ly thân trong Dự án Luật lần cũng được Ban Soạn thảo đặc biệt quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng không nên quy định cụ thể chế định này, bởi vì đây là khoảng thời gian tế nhị để hai bên xem xét lại cuộc hôn nhân của mình nên thường được dấu kín. Việc pháp luật về vấn đề này liệu có phải là can thiệp quá sâu vào đời sống gia đình? Hơn nữa, các quy định trong Dự án Luật còn thiếu sức thuyết phục: chưa có khái niệm ly thân, quy định thủ tục ly thân và ly hôn tương tự nhau… Các ý kiến đồng tình thì cho rằng: Đây là hiện tượng vẫn đang tồn tại trong xã hội và việc giải quyết các hệ quả pháp lý của nó rất cần thiết, ví dụ trường hợp nếu 2 người ly thân mà rũ bỏ hoàn toàn trách nhiêm với con cái hoặc người kia thì giải quyết thế nào? Dự án cũng để cho các bên lựa chọn có giải quyết mâu thuẫn bằng chế định ly thân hay không, chứ không bắt buộc, nên không thể coi là can thiệp quá sâu vào đời sống gia đình.

 

 

Trường hợp vợ chồng thuận tình ly hôn mà không có con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, con không có khả năng lao độn và không có tranh chấp về tài sản, Dự án Luật đề xuất đương sự có thể yêu cầu cơ quan hộ tịch nơi đã đăng ký kết hôn hoặc Tòa án công nhận. Như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành việc ly hôn có tính chất đơn giản, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cặp vợ chồng có yêu cầu ly hôn, giảm thiểu gánh nặng cho Tòa án trong giải quyết các việc dân sự. Tuy nhiên, nhiều thành viên Ban Soạn thảo lo ngại nếu thủ tục ly, quá dễ dàng có thể dẫn tới việc khuyến khích việc ly hôn; trình độ cán bộ hộ tịch chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ này… Hơn nữa, để Tòa án giải quyết tất cả các yêu cầu ly hôn như hiện nay còn đảm bảo các thỏa thuận khi ly hôn không gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của phụ nữ, trẻ em và những người khác có liên quan.

 

 

Với rất nhiều ý kiến được nêu lên tại phiên họp lần này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường – Trưởng Ban soạn thảo cho rằng những vấn đề còn tranh cãi thì nên đề xuất nhiều phương án để tiếp tục nghiên cứu, xem xét; những vẫn đề cơ bản đã được nhất trí thì cần sớm hoàn thiện để đưa vào Dự thảo trình Chính phủ trong thời gian tới. Bộ trưởng cũng lưu ý Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập quan tâm tới các vấn đề về gia đình – hiện chưa được chú trọng đúng mức trong Dự án Luật. Các quy định về hôn nhân có yếu tố nước ngoài cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của công dân Việt Nam khi kết hôn với người nước ngoài.