Bộ trưởng Bộ Tư pháp thăm và làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế

23/07/2012
Bộ trưởng Bộ Tư pháp thăm và làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày 20/7, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có chuyến thăm và làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác tư pháp và thi hành án dân sự. Cùng đi có lãnh đạo Tổng cục thi hành án Dân sự và các đồng chí trong vụ Tổ chức cán bộ, vụ Hành chính Tư pháp.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Trần Thanh Bình – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy và đồng chí Phan Ngọc Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và làm việc với đoàn. Cùng tham dự có lãnh đạo các cơ quan: Sở Tư pháp, Cục Thi hành án Dân sự, Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ và Đoàn Luật sư.

Tại buổi làm việc, tình hình các mặt công tác Tư pháp, Thi hành án dân sự và sự phối hợp giữa các ngành trong giải quyết các vấn đề thuộc hai lĩnh vực này đã được báo cáo với Bộ trưởng.

Qua báo cáo của đồng chí Dương Quang Tương – Giám đốc Sở Tư pháp và đánh giá của đồng chí Trần Thanh Bình – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy cho thấy công tác Tư pháp Thừa Thiên Huế đang phát triển và dần đi vào ổn định, hoạt động ngày càng hiệu quả, sát với thực tiễn và điều kiện của tỉnh, vai trò và vị trí công tác tư pháp đã được khẳng định. Đó là kết quả của sự quan tâm của Lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp tốt của các ngành, và đặc biệt là sự chăm lo từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo, mạnh dạn áp dụng những cách làm mới trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Lãnh đạo Sở Tư pháp. Điều này được thể hiện rõ nét qua kết quả 7 tháng đầu năm 2012, các mặt công tác Tư pháp của địa phương đã hoàn thành theo kế hoạch đề ra, trong đó có những nhiệm vụ đạt được kết quả cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Trần Thanh Bình cũng yêu cầu Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan, nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế do nguyên nhân chủ quan và có thể khắc phục được, như: Tiến độ xây dựng, thẩm định một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm so với kế hoạch; việc kiến nghị, xử lý văn bản trái pháp luật, sai sót về hình thức, nội dung qua công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chưa được theo dõi, báo cáo kịp thời.

Đồng chí cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp quan tâm xem xét các kiến nghị để công tác Tư pháp hoàn thành nhiệm vụ được giao như: Hướng dẫn về vấn đề pháp lý liên quan đến khai sinh, kết hôn đối với những người được nhập quốc tịch theo Điều 22 của Luật Quốc tịch Việt Nam, một số vấn đề về công chứng, quốc tịch; nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật; phần mềm quản lý lý lịch tư pháp...

Sau khi nghe báo cáo, nhận xét, kiến nghị và đề xuất của tỉnh, Bộ trưởng cơ bản nhất trí với những nội dung được đề cập và nhận định, kết quả nổi bật trong công tác tư pháp của tỉnh thể hiện sự khởi sắc với nhiều chuyển biến tốt. Đáng chú ý là công tác xây dựng văn bản góp phần vào hiệu quả hoạt động kinh tế nói chung của tỉnh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh CPI. Trong công tác tổng kết đánh giá tình hình thi hành Hiến pháp năm 1992, tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến cho công tác tổng kết của Chính phủ, đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm tới lĩnh vực này.

Đối với một số vướng mắc, kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng đã có giải đáp cụ thể. Đồng thời, để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ còn lại trong thời gian tới đạt hiệu quả, Bộ trưởng đề nghị tỉnh quan tâm nhiều hơn đối với công tác luật sư, chú trọng phát triển số lượng và tăng cường nâng cao chất lượng đội ngũ này; phát triển các tổ chức hành nghề công chứng; đặc biệt chú trọng triển khai 3 luật mới được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua và giao nhiệm vụ cho ngành Tư pháp tham mưu tổ chức thực hiện, gồm: Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Giám định tư pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính. 

Kết thúc buổi làm việc, thay mặt Lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phan Ngọc Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bộ Trưởng để làm cho công tác tư pháp của tỉnh ngày càng phát triển hơn.

Nguyễn Thị Đào