Xin trở lại quốc tịch Việt Nam của cô dâu Việt tại Đài Loan: Cần cân nhắc từng trường hợp cụ thể

20/07/2012
Xin trở lại quốc tịch Việt Nam của cô dâu Việt tại Đài Loan: Cần cân nhắc từng trường hợp cụ thể
Ngày 18/7, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp liên ngành để trao đổi với các bộ, ngành liên quan về hướng giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam của một số phụ nữ Việt Nam kết hôn với công dân Trung Quốc (Đài Loan) hiện đang cư trú tại Đài Loan. Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng.

Theo Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp Trần Thất, hiện Bộ Tư pháp đã nhận được 51 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam do Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc gửi về qua Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao. Trong các hồ sơ, đương sự đều trình bày là do để Thẻ cư trú quá hạn và theo quy định của pháp luật quốc tịch Đài Loan không được nhập vì không đủ điều kiện. Tuy nhiên, cũng có trường hợp muốn trở lại quốc tịch Việt Nam, sau đó làm lại thủ tục từ đầu để được nhập quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan). Vì vậy, Chủ tịch nước đã yêu cầu các cơ quan liên quan phải có hướng giải quyết “không thể quá dễ dãi” đối với số hồ sơ này.

 

 

Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc thì báo cáo, có 87 trường hợp (đã được Chủ tịch Nước cho thôi quốc tịch để nhập quốc tịch) bị phía Đài Loan khẳng định từ chối cho nhập quốc tịch vì nhiều lý do, các trường hợp này đang ở trong tình trạng người không quốc tịch, không có giấy tờ, gặp khó khăn ở nước sở tại. Tuy nhiên, phía Đài Loan cũng chỉ dừng lại ở việc đề nghị các cơ quan Việt Nam phối hợp giải quyết cho phép hồi hương về Việt Nam

Ông Thất cũng cho biết: Về vấn đề này, trong một cuộc họp liên ngành trước đó, các đại biểu đã nhất trí nên tạo điều kiện cho số phụ nữ này được trở lại quốc tịch Việt Nam nhưng cần bảo đảm chặt chẽ việc cho thôi, trở lại quốc tịch Việt Nam. Nghĩa là, những trường hợp cô dâu Đài Loan gốc Việt muốn trở lại quốc tịch Việt Nam phải hồi hương về Việt Nam thì mới giải quyết.

 

 

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đồng tình việc giải quyết cho trở lại quốc tịch Việt Nam trên tinh thần nhân đạo, chứ không phải cho trở lại đồng loạt mà phải xem xét từng trường hợp cụ thể (quan tâm đến những trường hợp bị ốm đau, bệnh tật hoặc đã ly hôn). Như phân tích của đại diện Bộ Ngoại giao, trong số người bị từ chối cho nhập quốc tịch (báo cáo mới nhất là 92 trường hợp) thì có 11 trường hợp là do kết hôn giả, phạm tội; 47 trường hợp có vấn đề tính xác thực của hôn nhân; 31 trường hợp vi phạm thuần phong mỹ tục của Đài Loan. Đặc biệt, những trường hợp phạm tội không thể có cơ hội nhập quốc tịch Việt Nam và không nằm trong sự ưu tiên giải quyết hiện nay của các cơ quan chức năng.

Cẩm Vân, ảnh Cục CNTT


Cục CNTT