Đoàn cán bộ Bộ Tư pháp tham gia khóa đào tạo tại Italia

17/07/2012
Đoàn cán bộ gồm 21 cán bộ của Bộ Tư pháp và một số cơ quan tư pháp địa phương do đồng chí Phan Chí Hiếu, Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội làm trưởng đoàn đã tham gia khóa đào tạo về pháp luật thương mại quốc tế và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được tổ chức tại Tổ chức pháp luật phát triển quốc tế (IDLO) có trụ sở tại Rome, Italia trong hai tuần từ ngày 16 – 28/7/2012. 

Khóa học được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình đào tạo 165 của Chính phủ Việt Nam với mục tiêu chính là góp phần tăng cường năng lực cho cán bộ pháp luật Việt Nam tham gia có hiệu quả hơn vào hệ thống thương mại quốc tế, tăng cường kiến thức về những lợi ích cũng như bất cập trong các hoạt động của hệ thống thương mại quốc tế nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Khóa học dành cho các học viên lần này do các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm trong lĩnh vực Thương mại quốc tế và Sở hữu trí tuệ giảng dạy. Mỗi học phần được một cán bộ quản lý khóa học của IDLO hỗ trợ nhằm đảm bảo người học tiếp thu được tốt nhất các kiến thức cần thiết và bảo đảm áp dụng đúng các phương pháp đào tạo của IDLO. Ngoài các buổi học tại trụ sở của IDLO tại Rome, các học viên còn được tham gia các hoạt động bên ngoài trụ sở như đi thăm một số cơ quan có liên quan như cơ quan sáng chế và nhãn hiệu thương mại và các cơ quan có thẩm quyền khác hoạt động trong lĩnh vực thương mại quốc tế của Italia.

Nội dung khóa học bao gồm hai phần chính là thương mại quốc tế và sở hữu trí tuệ:

Về pháp luật thương mại quốc tế, đoàn cán bộ của Bộ Tư pháp sẽ được nghe giới thiệu, cùng nhau trao đổi về các vấn đề cụ thể như các quy tắc điều chỉnh nền thương mại đa phương: WTO và các cam kết; đặc điểm chung của hệ thống thương mại đa phương, song phương và khu vực thương mại (APEC, ASEAN và SAARC); thương mại và nông nghiệp, SPS và TBT, thương mại và dịch vụ; cơ chế giải quyết tranh chấp theo quy định của WTO, các vụ việc giải quyết tranh chấp gần đây theo cơ chế DSU, thương mại và phát triển bền vững bảo đảm nền kinh tế xanh.

Về pháp luật sở hữu trí tuệ, đoàn cán bộ sẽ được nghe giới thiệu về tổng quan về pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ và thực thi các chính sách để bảo hộ các sáng chế và quyền sáng chế, chuyển giao công nghệ và cấp giấy phép sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, trong chương trình đào tạo, đoàn cán bộ Bộ Tư pháp được đến thăm Cơ quan quản lý việc cấp bằng Sáng chế và Nhãn hiệu thương mại của Italia, tham dự hội thảo trực tuyến với văn phòng sở hữu trí tuệ EU và trao đổi về một vấn đề cụ thể của Việt Nam là sở hữu trí tuệ và tiếp cận dược phẩm chữa bệnh: Chiến lược cho Việt Nam.

Việc Bộ Tư pháp và Chương trình đào tạo 165 của Chính phủ Việt Nam lựa chọn IDLO để tổ chức khóa học này là hoàn toàn phù hợp. Tổ chức pháp luật phát triển quốc tế (IDLO) là một tổ chức quốc tế liên chính phủ, hoạt động với tôn chỉ thúc đẩy pháp quyền và khuyến khích xây dựng nền quản trị nhà nước tốt ở các nước đang phát triển, các nước đang trong giai đoạn chuyển đổi và các nước mới thoát khỏi xung đột vũ trang.

Pháp quyền là yếu tố cơ bản để tăng cường sự an toàn và giảm thiểu đói nghèo thông qua bảo vệ quyền cá nhân và các hoạt động kinh tế và thông qua việc tăng cường năng lực của các cơ quan tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền của địa phương để đảm bảo một khung pháp lý phù hợp cho thương mại và đầu tư. Các hỗ trợ của IDLO thường là giúp cho các đối tác tăng cường khả năng để tự thực hiện mà không phải là chỉ đạo hay hướng dẫn, IDLO luôn nhất quán quan điểm bảo đảm quyền tự chủ của quốc gia trong các chiến lược phát triển như đã được nêu trong Tuyên bố Paris. IDLO kết nối các đối tác tham gia ở nhiều cấp độ khác nhau, cấp địa phương, cấp quốc gia và cấp quốc tế nhằm hỗ trợ các đối tác có thể thực hiện các chương trình cải cách, thiết lập hệ thống các cựu học viên IDLO tại các nước nhằm xây dựng một  mạng lưới chuyên gia pháp lý  năng động góp phần vào công tác tuyên truyền và phổ biến kiến thức.

IDLO thu hút được sự tham gia của các chuyên gia pháp luật phát triển hàng đầu trên toàn thế giới. Tại trụ sở của mình, IDLO có một đội ngũ luật gia quốc tế giàu kinh nghiệm, có chuyên môn trong những lĩnh vực chủ đạo như cải cách pháp luật và tư pháp, pháp luật thương mại và mua sắm quốc tế, y tế, pháp luật về sở hữu trí tuệ, pháp luật môi trường và phát triển xã hội. IDLO có trên 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại quốc tế công, và 11 năm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Hệ thống cựu học viên của IDLO đã được hình thành trên cơ sở các hội cựu học viên IDLO tại 47 quốc gia trên thế giới. Các cựu học viên này là các luật sư, luật gia, các học giả, doanh nghiệp, các cán bộ hoạt động trong cộng đồng xã hội dân sự, với khả năng tiềm tàng và độc đáo của mình, các cựu học viên của IDLO có thể tiếp tục tham gia đào tạo, cung cấp các hoạt động nghiên cứu và phổ biến, xuất bản các kết quả nghiên cứu... ở cấp quốc gia. Các hội cựu học viên của IDLO tại các nước là nguồn quan trọng đối với IDLO và đối với các cộng đồng mà các hội đó hoạt động.

Trong suốt gần 30 năm hoạt động, IDLO đã sử dụng phương pháp đào tạo là tăng cường sự tham gia của học viên và  xử lý tình huống phù hợp với nhu cầu học tập của cán bộ đi học, đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực pháp luật. Không như các chương trình đào tạo thông thường cho các sinh viên tại các trường phổ thông hoặc đại học, với mục tiêu hướng tới người học là các cán bộ đã đi làm và có kinh nghiệm chuyên môn nhất định, người học sẽ được định hướng trực tiếp và được đào tạo để có thể giải quyết được các nhu cầu về chuyên môn cụ thể ngay trong thời gian học tập. Do vậy, phương pháp đào tạo của IDLO là nhằm đáp ứng được các nhu cầu chuyên môn của từng nhóm đối tượng học viên cụ thể để sao cho tới cuối khóa học, người học thấy kiến thức và kỹ năng chuyên môn của mình được cải thiện. Những kiến thức mà người học thu nhận được từ khóa học có thể giúp thực hiện công việc đúng hơn và có hiệu quả hơn.

Để đạt được những mục tiêu tham vọng đó, IDLO đã xây dựng một phương pháp đào tạo khoa học, phương pháp tiếp cận đó bao gồm nhiều bước, cả hành động và các công cụ để thực hiện hành động (đánh giá nhu cầu, phân tích nhiệm vụ, sắp xếp thứ tự nhiệm vụ, định hình các mục tiêu cơ bản, các chu trình đào tạo, theo dõi giám sát và đánh giá). Các bước này đều được thực hiện trước, trong và sau quá trình đào tạo. Mỗi bước và công cụ đều tập trung vào nâng cao mức độ tiếp thu của các học viên và cung cấp cho học viên những chuyên môn cần thiết để thực hiện các công việc hàng ngày.

Với sự chuẩn bị chuyên nghiệp và chu đáo của IDLO, với sự nghiêm túc học tập của tất cả các thành viên của đoàn, chắc chắn rằng khóa học này sẽ đạt được kết quả học tập như mục tiêu mà Chương trình 165 đã đặt ra từ đầu.  

Nguyễn Minh Phương, Vụ HTQT Bộ Tư pháp