Hà Nội đang tự “trói” mình với Quyết định 29 về bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất

20/07/2012
Hà Nội đang tự “trói” mình với Quyết định 29 về bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất
Ngày 19/7, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính cùng đoàn cán bộ Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với Sở Tư pháp TP. Hà Nội và một số tổ chức hành nghề bán đấu giá tài sản (BĐGTS) về công tác BĐGTS trên địa bàn TP theo quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về BĐGTS. Một trong những nội dung được quan tâm là việc BĐGTS là quyền sử dụng đất (QSDĐ) để giao đất có thu tiền SDĐ hoặc cho thuê đất.

Tạo uy tín bởi sự chuyên nghiệp

Mặc dù Nghị định số 17/2010/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2010 nhưng đến ngày 14/9/2011, UBND TP. Hà Nội mới ban hành Quyết định số 29/2011/QĐ-UBND quy định về đấu giá QSDĐ để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn TP. Sau đó, Sở Tư pháp có đề xuất UBND TP ban hành Quy định tạm thời về Tiêu chí lựa chọn tổ chức BĐG chuyên nghiệp BĐG QSDĐ và được UBND TP chấp thuận. Các tiêu chí gồm đơn vị tham gia BĐG QSDĐ phải có đủ tư cách pháp nhân, trong danh sách các đơn vị BĐG QSDĐ được Sở Tư pháp lựa chọn và thẩm định theo Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 17/2010/NĐ-CP; tổ chức BĐG có chi phí đăng ký tổ chức phiên đấu giá thấp nhất; đơn vị BĐG phải có năng lực, kinh nghiệm và có phương án tổ chức BĐG khả thi, hiệu quả.

Qua rà soát, Sở Tư pháp đã báo cáo UBND TP phê duyệt 23 đơn vị đủ điều kiện thực hiện BĐG QSDĐ theo Quyết định số 29. Hiện có 6 đơn vị đã tổ chức BĐG QSDĐ để giao đất có thu tiền SDĐ hoặc cho thuê đất ở các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đông Anh, Hoài Đức… là Công ty CP BĐG Lạc Việt, Công ty CP đấu giá Bắc Trung Nam, Công ty CP thẩm định giá – dịch vụ tài chính Hà Nội, Công ty TNHH khai thác, quản lý nhà và ĐGTS, Công ty CP đấu giá số 5 – Quốc gia và Trung tâm Dịch vụ BĐGTS (thuộc Sở Tư pháp Hà Nội).

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính, đại diện Trung tâm Dịch vụ BĐGTS và Công ty Lạc Việt đều khẳng định tuy mới thực hiện một số hợp đồng BĐG QSDĐ song đã và đang dần tạo được uy tín đối với các Trung tâm phát triển quỹ đất thông qua cách làm việc chuyên nghiệp, bài bản, đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, Trung tâm dịch vụ BĐGTS còn đặt mục tiêu phấn đấu trở thành cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực BĐG QSDĐ trên địa bàn TP. Hà Nội.

Buộc mình với quy định “tối thiểu”

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ BĐGTS Ngô Hùng Minh phản ánh: Là một đơn vị đấu giá chuyên nghiệp có bề dày kinh nghiệm công tác, có lực lượng cán bộ có trình độ năng lực, có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện nhưng Trung tâm vẫn không được ưu tiên trong quá trình xét duyệt, lựa chọn là đơn vị tổ chức BĐG. Thậm chí có nhiều trường hợp Trung tâm làm hồ sơ đề nghị được lựa chọn là tổ chức BĐG QSDĐ với mức phí chỉ thu bằng 50% mức phí quy định tại Thông tư 48/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính nhưng vẫn không được lựa chọn.

Còn Giám đốc Công ty Lạc Việt Vũ Kiếm Quang nêu băn khoăn: Điều 13 Quyết định 29 quy định “.... Nếu toàn bộ số thửa đất được đưa ra tổ chức đấu giá một lần hoặc được chia thành nhóm nhỏ các thửa đất (không nhỏ hơn 10 thửa và có cùng giá khởi điểm) thì số lượng đối tượng tham gia đấu giá tối thiểu phải bằng 2 lần số lượng các thửa đất.”, thì trong trường hợp các thửa đất có cùng giá khởi điểm và nhỏ hơn 10 thửa, việc áp dụng “số lượng đối tượng tham gia đấu giá tối thiểu phải bằng 2 lần số lượng các thửa đất” có sai quy định không?

Không những thế, chính quy định tại Điều 13 này đã “vô tình” trói buộc khả năng tổ chức các cuộc BĐG chỉ vì không đủ số người tối thiểu tham gia đấu giá. Đơn cử như Trung tâm Dịch vụ BĐGTS ký hợp đồng BĐG với Ban quản lý các cụm công nghiệp và vườn sinh thái Cẩm Đình – Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ để BĐG 18 thửa đất tại xã Thọ Lộc và xã Tích Giang song chỉ bán được 9 thửa đất do số người đăng ký tham gia là 19 người.

Lắng nghe và chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị BĐGTS, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính cho biết, Bộ Tư pháp đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn chi tiết việc tổ chức BĐG QSDĐ nhằm thống nhất công tác này trong phạm vi cả nước. Ngoài ra, Thứ trưởng chỉ đạo Sở Tư pháp khẩn trương tham mưu với UBND TP và làm việc với các cơ quan liên quan để có biện pháp tháo gỡ những bất cập trong triển khai Quyết định số 29.

Cẩm Vân

Đánh giá chung về hai năm thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, Sở Tư pháp Hà Nội cho rằng, công tác BĐGTS trên địa bàn TP đã dần đi vào nề nếp. Hiện toàn TP có 57 đơn vị BĐGTS (nhưng theo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư thì có tới 18 nghìn đơn vị có chức năng BĐG), trong đó có 19 đơn vị đang hoạt động, 8 doanh nghiệp mới hoạt động, 1 đơn vị BĐG trực tuyến. Đáng chú ý là có 9 đơn vị hoạt động cầm chừng (không treo biển hiệu doanh nghiệp, không hoạt động ở trụ sở đăng ký kinh doanh, thay đổi địa điểm của đơn vị không báo cáo, không báo cáo theo quy định của Nghị định 17/2010/NĐ-CP) và có tới 20 đơn vị không hoạt động hoặc có biểu hiện “trốn tránh”.