Hợp nhất 2 đạo luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Ra đụng vào chạm…

20/07/2012
Trong công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hiện nay có 2 luật là Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 và Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004. Việc ban hành luật mới trên cơ sở hợp nhất 2 Luật này đã được Quốc hội khóa XIII đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh toàn khóa. Tuy nhiên, hợp nhất ra sao thì rất khó khăn vì “sờ” đâu cũng thấy đụng chạm.

Ổn định là chất lượng

Báo cáo về các quan điểm xây dựng Luật mới trong cuộc họp diễn ra vào sáng 18/7, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến “điểm tên” 6 quan điểm chính. Cụ thể là phải thể chế đầy đủ các quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong các văn kiện được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua, Nghị quyết số 48-NQ-TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; phải đáp ứng yêu cầu, đổi mới quy trình lập pháp, lập quy, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng VBQPPL…

Không nên đặt ra quá nhiều mục tiêu như báo cáo trên là quan điểm của đại diện Văn phòng Trung ương Đảng. Theo đó, việc xây dựng Luật mới chỉ cần gói gọn trong 3 mục tiêu cơ bản, gồm góp phần tạo ra những VBQPPL tốt, kịp thời, mang tính khả thi cao, thúc đẩy sự phát triển của xã hội; xây dựng được một quy trình ban hành VBQPPL khoa học; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong xây dựng và ban hành VBQPPL. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thì chỉ đạo, cần xác định sát mục đích xây dựng Luật để làm sao đạt được mục đích cuối cùng là vào năm 2020 Việt Nam có hệ thống pháp luật ổn định, mà “muốn ổn định là phải chất lượng”.

Đổi mới “công nghệ làm luật”

Ông Tuyến cho biết, một định hướng lớn khi xây dựng Luật hợp nhất là phải làm cho Luật trở thành công cụ thể chế để xây dựng, hoàn thiện và đổi mới hệ thống pháp luật Việt Nam. Theo đó, sẽ xác định rõ thẩm quyền ban hành, giảm bớt các hình thức VBQPPL trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Đã có rất nhiều đề xuất mạnh dạn đưa được ra như nghiên cứu, xem xét theo hướng không quy định nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội là VBQPPL; nghiên cứu, xem xét về sự cần thiết đối với loại VBQPPL liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, TANDTC, VKSNDTC; nghiên cứu, xem xét việc ban hành văn bản của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKDNDTC; xem xét bỏ hình thức chỉ thị của UBND các cấp; bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã…

Chuyên gia cao cấp Dương Thị Thanh Mai e ngại, liệu những đề xuất trên “có làm thay Hiến pháp không khi đụng chạm rất nhiều đến tổ chức bộ máy” bởi cơ quan tư pháp và chính quyền địa phương không còn quyền ban hành VBQPPL như hiện nay trong lúc vẫn cần có công cụ pháp lý để thực hiện quản lý nhà nước.

Đồng tình với bà Mai, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Kim Thoa cho rằng, thẩm quyền ban hành VBQPPL của địa phương phụ thuộc rất nhiều vào Luật Tổ chức HĐND, UBND. Tuy nhiên, bà Thoa nhấn mạnh, việc “giải mã” thẩm quyền ban hành trong Luật mới là cần thiết. Chẳng hạn, “Tòa án có nên ban hành VBQPPL nữa không hay là dần dần công nhận án lệ, Chủ tịch nước có cần ban hành Quyết định quy định về tiêu chuẩn đặc xá không khi đã có Luật Đặc xá” – bà Thoa nêu câu hỏi.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng nhận định, việc hợp nhất 2 Luật Ban hành VBQPPL sẽ đặt ra rất nhiều vấn đề bởi nó liên quan đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, Luật Tổ chức HĐND, UBND như thế nào. Do đó, cần đặt trong mối quan hệ với Hiến pháp để nghiên cứu, xem xét về thẩm quyền ban hành VBQPPL, về giải quyết vấn đề giữa Trung ương với địa phương để địa phương ban hành VBQPPL không trái với Trung ương…

Tiên liệu sự khó khăn trong quá trình xây dựng và ban hành Luật mới, nhưng Bộ trưởng khẳng định: Đây là một luật vô cùng quan trọng với ý nghĩa “Luật về công nghệ làm luật” nhằm lập lại trật tự trong xây dựng và ban hành VBQPPL hiện nay, tránh tình trạng “đã có Luật lại có Nghị quyết thi hành Luật mà Nghị quyết lại có QPPL hoặc mỗi khi sửa một luật nào đó lại phải xem là sẽ ban hành Luật sửa Luật hay Nghị quyết sửa Luật”.

Hoàng Thư