Các quy định về sở hữu trong Bộ luật Dân sự 2005: Chưa xứng tầm!

07/08/2009
Bên cạnh Hiến pháp 1992, pháp luật về sở hữu và quyền sở hữu ở Việt Nam còn được quy định tại Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005. Tuy nhiên, các quy định này đang có một số bất cập ở khía cạnh lý luận mà việc xử lý chậm trễ sẽ gây ra không ít khó khăn cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Vì vậy, trong 2 ngày 6-7/8, dưới sự hỗ trợ của JICA, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc toạ đàm tổng kết tình hình thi hành, hướng tới sửa đổi, bổ sung các quy định về sở hữu của BLDS 2005.

Ít được quan tâm

PGS - TS. Dương Đăng Huệ (Bộ Tư pháp) đánh giá, sự quan tâm của Nhà nước, giới khoa học kinh tế và luật học hoàn toàn chưa thoả đáng, xứng tầm với vị trí, vai trò, ý nghĩa của vấn đề sở hữu và pháp luật về sở hữu. Từ khi đổi mới, chúng ta đã thông qua hàng loạt đạo luật quan trọng tạo môi trường pháp lý cho việc định hình và vận hành trôi chảy như Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Thương mại, Luật Xây dựng, Luật Cạnh tranh… Nhưng lại chưa hề có sự nghiên cứu thật đáng kể đối với vấn đề sở hữu, ngoài một số quy định cô đọng, ngắn gọn trong Hiến pháp và BLDS. “Đã thế các quy định này quá đơn giản, không mang tính khái quát, không giải quyết được nhiều vấn đề cụ thể do thực tiễn vận hành của các quan hệ xã hội đặt ra”, ông Huệ nói.

Sự “ít quan tâm” càng rõ hơn khi các nhà làm luật đưa ra quan niệm về quyền sở hữu tại Điều 164 BLDS 2005: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu… Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản” mà tài sản ở đây bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản (Điều 163). TS. Ngô Huy Cương (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét, đây là một định nghĩa về tài sản “đặc biệt” nhất từng được biết đến, bởi khó có thể tìm được một khái niệm tương tự trong các quyển từ điển thuật ngữ pháp luật và ở các BLDS của các nước trên thế giới. Cũng theo ông Cương, các quy định của BLDS 2005 dường như tách biệt quyền sở hữu với tài sản trong khi các vấn đề dịch chuyển tài sản gắn liền quyền sở hữu vẫn được quy định tại các điều luật khác. Ngoài ra, các Điều 173 và 621 “dụt dè” quy định các quyền của người không phải là chủ sở hữu, song rốt cuộc chỉ tập trung nói tới quyền sử dụng đất và địa dịch theo nghĩa hẹp.

“Khó hiểu” tiêu chí phân loại hình thức!

Ông Huệ thẳng thắn bình luận, việc xác định các hình thức sở hữu của pháp luật hiện hành chưa hợp lý và chưa khoa học. Theo Điều 15 Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), nước ta có 3 chế độ sở hữu là sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Còn theo BLDS 2005, có 6 hình thức sở hữu, bao gồm sở hữu nhà nước; sở hữu tập thể; sở hữu tư nhân; sở hữu chung; sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Ông Huệ băn khoăn, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã dựa vào cái gì, tiêu chí nào để phân loại sở hữu thành các hình thức như vậy? Ông Huệ kiến nghị, sắp tới cần dùng một yếu tố duy nhất nhằm xác định các hình thức sở hữu. Đó là, chủ thể có quyền trực tiếp chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản thì được coi là chủ sở hữu và căn cứ vào cách thức thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản mà gọi tên hình thức sở hữu cho phù hợp. Như vậy, sẽ chỉ còn 4 hình thức sở hữu là sở hữu nhà nước, sở hữu cá nhân, sở hữu pháp nhân và sở hữu chung.

Đồng tình với ông Huệ, TS. Phùng Trung Tập (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, BLDS 2005 mới liệt kê được các hiện tượng sở hữu tồn tại trong xã hội và có vẻ đánh đồng các hình thức sở hữu với các thành phần kinh tế. Ông Tập đề xuất, BLDS sửa đổi không nên cá biệt hoá một nhóm tổ chức nhất định thành một hình thức sở hữu, bỏ quy định sở hữu tập thể và sở hữu chung hỗn hợp, đồng thời bổ sung hình thức sở hữu hợp tác xã. Nghĩa là, sẽ có 5 hình thức gồm sở hữu nhà nước, sở hữu của các tổ chức, sở hữu hợp tác xã, sở hữu tư nhân và sở hữu chung.   

Bà Vũ Thị Minh Hồng (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cũng thắc mắc, không hiểu mục đích của các nhà làm luật khi đưa ra các hình thức sở hữu vốn chỉ thuộc lĩnh vực nghiên cứu. Cái quan trọng của chế định sở hữu không phải là các hình thức sở hữu mà là quyền chiếm hữu trong quyền sở hữu thì BLDS không hề có chế định độc lập về quyền này. “Vì vậy, khi sửa đổi luật dân sự cần xây dựng các quy định về chiếm hữu, đồng thời, cần phân biệt 2 phần của quyền tài sản là vật quyền và trái quyền, trong đó có quy định chi tiết về tài sản chung và tài sản riêng theo góc độ sở hữu”, bà Hồng nhấn mạnh.

Hoàng Thư