Kiểm tra công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc

03/08/2009
Thực hiện chức năng giúp Chính phủ quản lý thống nhất về công tác đăng ký giao dịch bảo đảm trong phạm vi cả nước, Bộ Tư pháp đã thành lập Đoàn kiểm tra công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc do đồng chí Phạm Tuấn Ngọc – Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm làm trưởng đoàn.

Trong các ngày từ ngày 20/7 đến ngày 24/7/2009 Đoàn kiểm tra đã có các buổi làm việc, trao đổi, thảo luận trực tiếp về những vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra với các Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; một số Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường (đối với nơi chưa thành lập Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất).

Qua kiểm tra cho thấy công tác đăng ký giao dịch bảo đảm trong lĩnh vực này đã đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể như sau:

Công tác quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất: qua kiểm tra cho thấy, trong thời gian qua, công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc đã  được triển khai đồng bộ và dần đi vào nề nếp. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đã được quan tâm, thực hiện tốt. Điển hình tại tỉnh Bắc Ninh, cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý về lĩnh vực này là Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thường xuyên công tác kiểm tra, tuyên truyền pháp luật, tập huấn về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo định kỳ hàng năm, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả của việc đăng ký giao dịch bảo đảm.

Tại các địa phương được kiểm tra người dân cũng như các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng đã dành nhiều sự quan tâm tới hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm. Tính từ năm 2005 đến thời điểm kiểm tra, số lượng hồ sơ yêu cầu đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các địa phương có xu hướng tăng lên đáng kể. Kết quả đăng ký đã góp phần đảm bảo an toàn, minh bạch cho các giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Về tổ chức, hoạt động của các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các Phòng Tài nguyên và Môi trường: mặc dù số lượng cán bộ rất ít nhưng các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Phòng Tài nguyên và Môi trường tại nơi kiểm tra đã hết sức cố gắng trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật. Một số Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đã bố trí cán bộ chuyên trách có trình độ chuyên môn phù hợp giải quyết hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện đăng ký.

Một số Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện hoặc Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với nơi chưa có Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đã thực hiện ủy quyền bằng văn bản cho cán bộ địa chính xã thực hiện việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân đối với trường hợp đất đã được cấp Giấy chứng nhận theo hướng dẫn của Thông tư số 06/2007/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thực tế cho thấy, việc uỷ quyền này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở những xã, thị trấn xa huyện lỵ có thể thực hiện được việc đăng ký thế chấp.

Về quy trình giải quyết hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, qua kiểm tra cho thấy về cơ bản từ khâu tiếp nhận hồ sơ, xem xét, giải quyết và lưu trữ hồ sơ đã được các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT và Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTP-BTNMT của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký thế chấp, một số Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất được kiểm tra đã tiến hành ghi nội dung đăng ký thế chấp vào Sổ địa chính và Sổ theo dõi biến động đất đai theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 09/2007/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần tháo gỡ:

- Hiện nay, một số địa phương nơi kiểm tra còn tỏ ra lúng túng trong việc phân định thẩm quyền đăng ký đối với một số hợp đồng thế chấp bằng tài sản gắn liền với đất như: trạm bơm, cây xăng, hệ thống cấp thoát nước, tường rào bao quanh thửa đất…

- Ngoài ra, thông qua kiểm tra hồ sơ cho thấy, một số Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất yêu cầu người yêu cầu đăng ký nộp thêm một số loại giấy tờ khác ngoài quy định của Thông tư liên tịch số 05 (Ví dụ như bản phô tô Giấy chứng nhận, bản sao Giấy khai sinh, bản sao Chứng minh nhân dân…).

- Đối với công tác lưu trữ và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cũng còn tồn tại một số bất cập: các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chưa ý thức được tầm quan trọng của việc chỉnh lý thông tin về tài sản bảo đảm vào Sổ theo dõi biến động đất đai, do đó, đã không lập Sổ theo dõi biến động đất đai và thực hiện việc chỉnh lý theo đúng quy định của pháp luật hoặc việc cập nhật các thông tin này không thường xuyên và không đầy đủ.

- Một số Văn phòng còn thực hiện việc miễn lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với trường hợp đăng ký thế chấp là hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa phương và sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối chưa đúng với tinh thần của quy định tại khoản 3 Mục I Thông tư liên tịch số 03/2007/TTLT-BTC-BTP về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí về đăng ký giao dịch bảo đảm.

Như vậy, Bộ Tư pháp thông qua hoạt động kiểm tra đối với công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã phát hiện những thiếu sót, vi phạm cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đăng ký, từ đó kịp thời đề ra các biện pháp khắc phục nhằm nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và phối hợp với các cơ quan hữu quan trong lĩnh vực này nhằm điều chỉnh các quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, đưa công tác này dần đi vào nề nếp.

Thu Thủy - Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm