Tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý toàn quốc ngày 27/7, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã phát biểu chỉ đạo và căn dặn các cán bộ tham dự với sự quan tâm và niềm phấn khởi vì sự có mặt đông đủ của đại diện 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý.
Bộ trưởng đã xúc động khẳng định, Hội nghị tập huấn bắt đầu vào ngày mà cả nước đang có nhiều hoạt động tri ân của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến tuổi xuân và có công với đất nước, trong đó trợ giúp pháp lý cũng là hoạt động của ngành gắn liền với ngày 27/7. Thay mặt Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng đã ghi nhận và biểu dương những thành tích đã đạt được trong thời gian qua của các tổ chức trợ giúp pháp lý. Bộ trưởng nhắc nhở, trợ giúp pháp lý là sự nghiệp vinh quang mà Bộ Tư pháp vinh dự được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao cho và cũng được Ban Cán sự, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ rất quan tâm và chia sẻ trong việc thực hiện sự nghiệp này. Hơn 10 năm qua, Cục Trợ giúp pháp lý, các Trung tâm trợ giúp pháp lý và các Chi nhánh trong toàn quốc đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận sự đóng góp bằng những tấm huân chương cao quý và nhiều hình thức khen thưởng. Ở các địa phương, trợ giúp pháp lý đã được Lãnh đạo tỉnh, chính quyền khẳng định là một trong những điểm sáng của ngành Tư pháp, như vậy, trợ giúp pháp lý đã góp phần khẳng định thêm vị thế của Bộ, ngành trong xã hội, với nhân dân, với chính quyền địa phương các cấp và cả Trung ương. Những cố gắng, tận tuỵ với công việc để giải toả khó khăn, vướng mắc pháp luật của người dân trong thời gian qua đã tạo nên uy tín, "thương hiệu" trợ giúp pháp lý tốt đẹp và đó là điều đáng vui mừng nhưng lại càng phải nỗ lực để phát huy.
Bộ trưởng cũng khẳng định, trợ giúp pháp lý luôn là vấn đề chiến lược, sẽ trường tồn, vĩnh cửu qua nhiều thế hệ tiếp theo vì pháp luật luôn là khuôn thước để quản lý đất nước và bảo vệ quyền công dân, thực hiện công bằng xã hội. Hiện nay, trong điều kiện nước ta qua hai cuộc chiến tranh với hàng triệu lượt người được hưởng chế độ tri ân của đất nước, thành tựu của đổi mới đang ngày càng khẳng định và chuẩn nghèo đang được Chính phủ nghiên cứu tăng lên gấp đôi (khi đó cả nước sẽ có trên 20% hộ nghèo), 61 huyện nghèo chủ yếu vẫn là miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Hoạt động trợ giúp pháp lý ở nước ta qua 10 năm hình thành và phát triển đã được thể chế bằng văn bản pháp luật có hiệu lực cao, đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đang ngày càng trưởng thành. Nhưng nhu cầu giúp đỡ về pháp luật ngày đa dạng và càng cao, các vụ việc ngày càng đòi hỏi phải được giúp đỡ kịp thời hơn, có chất lượng hơn nên việc tổ chức Hội nghị tập huấn về nghiệp vụ vẫn rất cần thiết. Cục Trợ giúp pháp lý đã thực hiện công tác chuẩn bị tập huấn kịp thời, tài liệu tập huấn đầy đủ, toàn diện, bài bản, có nét hiện đại, đặc biệt đã có quy định đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, chất lượng hành nghề của Trợ giúp viên pháp lý, chất lượng hoạt động của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.
Bộ trưởng cũng nhắc nhở, cần khảo sát, nghiên cứu và dự báo để có giải pháp đổi mới về tổ chức, về phương pháp và hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian tới. Quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008-2010, định hướng đến năm 2015 được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngày 23/6/2008 là quy hoạch phát triển một lĩnh vực đầu tiên của ngành Tư pháp. Đó là điều đáng mừng nhưng cần khẩn trương, chung sức xây dựng Chiến lược phát triển về lĩnh vực này để nhận diện rõ và đầy đủ công tác trợ giúp pháp lý ở những năm 2020, 2030. Ngân sách Nhà nước chi cho sự nghiệp trợ giúp pháp lý còn rất nhỏ, chủ yếu bằng sự hỗ trợ nguồn vốn ODA từ bên ngoài như vậy sẽ khó bền vững trong khi sự nghiệp trợ giúp pháp lý mang tính chiến lược của đời sống pháp luật nên không thể mãi tiếp tục như hiện nay. Khi kinh tế nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, nguồn vốn ODA sẽ giảm, tiến tới 15 - 20 năm nữa, chúng ta phải phấn đấu để đi giúp các nước khác, trong đó giúp cả về trợ giúp pháp lý. Vì vậy, những người làm công tác trợ giúp pháp lý phải cùng nhau suy nghĩ, hiến kế, đổi mới, xây dựng Chiến lược phát triển cho phù hợp để hoạt động trợ giúp pháp lý trường tồn, mang lại lợi ích cao nhất cho người dân và xã hội.
Bên cạnh đó, chất lượng, hiệu quả và lợi ích mang lại của dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí phải ngang bằng và cao hơn dịch vụ pháp lý có trả tiền, các hoạt động phải đi vào thực chất hơn, tránh hình thức, mang tính cổ động như ở một số địa bàn trong thời điểm hiện tại. Đây là dịch vụ của Nhà nước, sự nghiệp của Nhà nước, thể hiện chính sách lớn, sự tri ân sâu sắc nên không thể có chất lượng kém, phải cao hơn dịch vụ do xã hội cung ứng. Nếu trợ giúp pháp lý yếu kém, Trợ giúp viên pháp lý kém hơn luật sư sẽ không thể mang lại công lý cho người nghèo và đối tượng chính sách. Vì vậy, chúng ta phải đặt ra quyết tâm để có dịch vụ pháp lý không thu phí nhưng hiệu quả nhất, chất lượng nhất, ngày càng chuyên nghiệp và không thua kém và cao hơn dịch vụ pháp lý ngoài thị trường.
Bộ trưởng cũng lưu ý 03 vấn đề quan trọng để các đại biểu cùng suy ngẫm, trao đổi và thảo luận:
Thứ nhất, chú trọng đạo đức, lương tâm nghề nghiệp. Những người làm công tác trợ giúp pháp lý phải có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp cao hơn luật sư bên ngoài, bởi lẽ những người làm công tác trợ giúp pháp lý là các "hiệp sĩ công lý", gánh trên vai sự nghiệp cao cả, mang tầm chính trị rất lớn, trong đó trách nhiệm của Giám đốc Trung tâm là rất lớn. Thực tế cho thấy còn một vài nơi, trợ giúp pháp lý làm chưa hết trách nhiệm của mình, chưa thể hiện sâu sắc đạo đức nghề nghiệp và như vậy là chưa hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã tin tưởng giao cho.
Thứ hai, người làm trợ giúp pháp lý phải có sự nhạy bén chính trị, tỉnh táo hơn khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp; trợ giúp pháp lý phải có cái nhìn toàn diện và dự báo được hậu quả pháp lý trong từng hoạt động để bảo đảm tính chính trị- pháp lý và tính xã hội, góp phần giải quyết ổn định các vấn đề mang tính cộng đồng, các vấn đề tôn giáo, dân tộc.
Thứ ba, trợ giúp pháp lý phải nhạy bén, xung kích vào những vấn đề khó khăn, nhất là những vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội tại địa phương. Thực tế, đã có nhiều địa phương ghi nhận vai trò xung kích của trợ giúp pháp lý trong việc giải quyết hàng chục vụ khiếu kiện kéo dài nhiều năm (về đền bù, giải toả mặt bằng, tháo gỡ các điểm nóng…). Nhiều nơi đã bám sát các điểm tổ chức thực hiện các Dự án lớn, vào cuộc kịp thời để hướng dẫn, tư vấn và giúp đỡ bảo vệ lợi ích hợp pháp cho người dân và truyền thông để hỗ trợ xây dựng các công trình lớn của đất nước. Thực tế vào cuộc, tổ chức xem xét thấu đáo các vấn đề “nóng” của trợ giúp pháp lý có tính hữu ích này đã khẳng định vị thế của trợ giúp pháp lý trước cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương. Tuy nhiên, cũng có nơi, trợ giúp pháp lý vẫn còn thờ ơ với nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh, chưa dám xung kích đi vào những việc khó, những điểm nóng, chưa dám đảm nhiệm vai trò gỡ rối xem người dân đúng gì, sai gì, Ban quản lý Dự án đền bù đúng sai ra sao. Trong khi chúng ta biết rõ, cán bộ trợ giúp pháp lý nắm pháp luật và có cơ chế để làm mà chưa dám hoặc tránh né, nên ở những nơi đó chính quyền chưa quan tâm, trong đó có trách nhiệm thuộc về Giám đốc Sở Tư pháp.
Những quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng là nguồn động viên to lớn đối với những người làm công tác trợ giúp pháp lý, tạo nên một không khí học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sôi nổi, xác định cho những cán bộ này một động lực phấn đấu và bước đường vào “Nghề’ dù có gian truân vẫn thấy thật vững lòng. /.
Tạ Minh