Cải cách tư pháp và pháp luật tại Việt Nam và Canada: Nâng cao chất lượng phục vụ và năng lực cán bộ tư pháp

06/08/2009
Cải cách tư pháp và pháp luật tại Việt Nam và Canada: Nâng cao chất lượng phục vụ và năng lực cán bộ tư pháp
Tại Hội thảo “Cải cách pháp luật và tư pháp tại Việt Nam và Canada” tổ chức sáng 5/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã nhấn mạnh “Cải cách tư pháp và pháp luật (CCTP&PL) được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm trong tiến trình xây dựng đất nước, cụ thể hóa trong các qui định về xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, cải cách hành chính và thủ tục tòa án (TA), tăng cường sự tham gia từ cơ sở…”

“Trăm đường đều đến tòa án”

Từ thực tiễn tại Canada, bà Alison Redford (Bộ trưởng Tư pháp bang Alberta (Canada) khẳng định, dù có nhiều kênh, phương thức giải quyết mâu thuẫn nhưng người dân cuối cùng vẫn muốn nhờ đến sự can thiệp của hệ thống TA để giải quyết tận gốc vấn đề. Vì thế, CCTP&PL là phải xây dựng được hệ thống tư pháp để người dân tin rằng họ có thể được đối xử công bằng, được tiếp cận công lý thuận lợi.

Hiện Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Việt Nam đang xây dựng dự thảo đề án thành lập TA khu vực, TA phúc thẩm, TA thượng thẩm, đổi mới tổ chức và hoạt động của TANDTC. Song ông Ngô Cường (Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, TANDTC) băn khoăn, theo đề án, điểm khác duy nhất là TA cấp tỉnh không xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Còn việc thành lập TA khu vực thì cũng là việc “ghép” các TA cấp huyện lại với nhau. Nếu ở các thành phố lớn (như Hà Nội, TP.HCM) thì không thấy nhiều sự khác biệt giữa TA cấp huyện hiện nay và TA khu vực theo đề án do 85% vụ án hình sự đang được giải quyết ở TA cấp huyện. Vậy, điều cần quan tâm là xây dựng hệ thống TA để giải quyết nhanh chóng những mâu thuẫn trong xã hội, bảo đảm quyền lợi của người dân hay tạo điều kiện cho cơ quan công quyền?

Ngoài ra, GS.TS.Lê Hồng Hạnh (Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp) cũng quan tâm đến chất lượng cán bộ TA và cơ chế lương cho cán bộ TA của Canada như một kinh nghiệm cho Việt Nam trong tiến trình CCTP. Làm rõ vấn đề này, bà Barbara Hookenson (Vụ trưởng phụ trách vấn đề TA – Bộ Tư pháp bang Alberta) cho biết, chế độ lương, phụ cấp cho thẩm phán và cán bộ TA phải đảm bảo để họ “không bị cám dỗ trước những lợi ích vật chất khác, không phải chịu sức ép của Chính phủ và duy trì được tính độc lập, công bằng trong hoạt động xét xử”. Đặc biệt, cán bộ TA phải thường xuyên được đánh giá chất lượng chuyên môn dựa trên khảo sát ý kiến công chúng về chất lượng phục vụ của cán bộ TA, được bồi dưỡng, tập huấn.

Công khai, minh bạch hoạt động của TA

Đó là một trong những yêu cầu để đẩy mạnh tiến trình CCTP ở Việt Nam. Theo ông Ngô Cường, quyền tiếp cận tư pháp của người dân phải được bảo đảm bằng các yếu tố: hệ thống pháp luật, cơ chế thực thi và thể chế hoạt động hiệu quả, đạt được niềm tin của công chúng. Công khai, minh bạch hoạt động TA có thể được thông qua mô hình trung tâm thông tin pháp luật (TTTTPL) và công khai bản án, quyết định (BA, QĐ) của TA (nhất là của TANDTC) để người dân biết cách TA áp dụng pháp luật, tạo sự thống nhất trên cả nước về áp dụng pháp luật, chỉ ra những bất cập trong thực tiễn để sửa đổi, bổ sung các qui định pháp luật liên quan.

Thực tế, hiện nay, có được một BA, QĐ của TANDTC không phải chuyện dễ, dù chỉ để làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy. Do vậy, TANDTC đang xây dựng trang thông tin điện tử để công khai các BA, QĐ của mình, coi đó là những án lệ cho thực tiễn xét xử ở các cấp TA. Song, ông Ngô Cường cũng chỉ ra rằng, để làm được điều này cần phải thay đổi cách viết BA với các lập luận rõ ràng hơn để bất kỳ ai đọc cũng có thể hiểu PL đã được áp dụng như thế nào trong từng vụ việc cụ thể.

Các đại biểu Việt Nam rất tâm đắc với mô hình TTTTPL của TA bang Alberta. Cán bộ TA ở các Trung tâm này không tư vấn pháp luật mà chỉ hướng dẫn cho người dân về thủ tục, trình tự giải quyết vụ việc, để họ có lựa chọn con đường bảo vệ quyền lợi của mình, không phải phụ thuộc vào luật sư. Bên cạnh đó, các chuyên gia Canada cũng đề cập đến khả năng của thủ thư tại các thư viện PL (tương đương mô hình tủ sách PL ở Việt Nam). Họ phải hiểu được nhu cầu của người dân để hướng dẫn tìm kiếm nhanh và hiệu quả./.

H.Giang