Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên tiếp Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam: Tăng cường cơ chế đối thoại chính sách cải cách tư pháp

17/02/2009
Tiếp nối các buổi làm việc gần đây với đoàn đánh giá Dự án Hỗ trợ cải cách pháp luật và tư pháp ở Việt Nam của Đại sứ quán Đan Mạch để xây dựng khung khổ dự án mới hỗ trợ quá trình cải cách tư pháp của Việt Nam, chiều ngày 16/2, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã tiếp Ông Peter Hanson - Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam.

Hai bên đã thảo luận về đề xuất của Đan Mạch và các nhà tài trợ về việc thiết lập cơ chế Đối thoại Chương trình giữa các nhà hoạch định chính sách, pháp luật của Việt Nam với các nhà tài trợ trong khuôn khổ Dự án hợp tác mới, dự kiến sẽ được tiến hành khởi động vào đầu năm 2010. 

Đại sứ Đan Mạch một lần nữa nhấn mạnh dự kiến nội dung chính của Dự án mới với 3 hợp phần  hỗ trợ cho các cơ quan Nhà nước (Bộ Tư pháp, VKSNDTC, TANDTC), Liên đoàn Luật sư Việt Nam và tổ chức xã hội dân sự. Nội dung chính của  hợp phần hỗ trợ cho Bộ Tư pháp là hai lĩnh vực trợ giúp pháp lý và  thi hành án dân sự. Để đảm bảo nội dung hoạt động của Dự án đáp ứng đúng và  kịp thời  các  nhu cầu ưu tiên của cải cách tư pháp tại Việt Nam, Đan Mạch và các nhà tài trợ đề cao cơ chế trao đổi thông tin/ đối thoại chính sách giữa đại diện các cơ quan Chính phủ và các nhà tài trợ. Bạn đề xuất thành lập một thiết chế trong khuôn khổ Dự án hợp tác mới - tạm gọi là Ban Đối thoại Chương trình.- bao gồm đại diện Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp,  Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, các cơ quan thực hiện Dự án và các nhà tài trợ. Khác với Ban Chỉ đạo liên ngành thực hiện Dự án (thiết chế dự kiến cũng sẽ được thành lập trong khuôn khổ Dự án mới với chức năng đưa ra các quyết định chính về nội dung, ngân sách hoạt động của Dự án v.v…), Ban Đối thoại Chương trình sẽ có chức năng định hướng chính sách, mục tiêu phát triển của Dự án  mới, nhằm đảm bảo các hoạt động của Dự án và chính sách hợp tác pháp luật của các nhà tài trợ  đáp ứng đúng những định hướng của Chiến lược về cải cách tư pháp đến năm 2020.   

Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên đánh giá cao thiện chí của Đan Mạch và các nhà tài trợ trong việc chủ động đề xuất các hoạt động của Dự án hợp tác mới hỗ trợ Việt Nam thực hiện cải cách tư pháp. Nội dung và lộ trình các hoạt động hợp tác do Đan Mạch và các nhà tài trợ đưa ra đều phù hợp với những định hướng ưu tiên về cải cách tư pháp của Việt Nam Thứ trưởng cũng hoan nghênh ý tưởng của các nhà tài trợ về tăng cường cơ chế đối thoại chính sách giữa các cơ quan của Việt Nam với các nhà tài trợ; ghi nhận các đề xuất cụ thể của Bạn trong vấn đề này -  trong đó có việc thành lập Ban Đối thoại Chương trình -  để thảo luận và thống nhất với các cơ quan có thẩm quyền  trong quá trình xây dựng Văn kiện Dự án hợp tác mới, dự kiến được  hoàn thiện và  trình thông qua vào cuối năm 2009/ đầu 2010.

Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp

 

Chương trình Quản trị Nhà nước và Cải cách Hành chính (gọi tắt là GOPA) do Vương quốc Đan Mạch hỗ trợ


Chương trình Quản trị Nhà nước và Cải cách Hành chính (gọi tắt là GOPA) do Đan Mạch hỗ trợ đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt tháng 12 năm 2007, nhằm nâng cao lĩnh vực quản trị nhà nước và cải cách hành chính cấp tỉnh và cấp trung ương và nâng cao năng lực của các cơ quan
học thuật trong việc nghiên cứu và giáo dục về Quyền con người. Chương trình được chia thành hai trụ cột, một trụ cột hỗ trợ thực hiện cải cách hành chính tại cấp tỉnh và trụ cột kia hỗ trợ nỗ lực quản lý nhà nước hiệu quả của Quốc hội và các học viện và trường đại học giảng dạy và nghiên cứu quyền con người

Trong trụ cột CCHC, chương trình sẽ hỗ trợ các tỉnh vùng xa như Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu và Đăk Nông thực hiện cải cách nhằm giảm tệ quan liêu, tăng cường năng lực cán bộ công chức, giới thiệu phương pháp quản lý hiện đại và nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Trụ cột Quản trị Nhà nước sẽ thúc đẩy các mối quan hệ đối tác mới giữa các cơ quan Việt Nam và Đan Mạch, bao gồm giữa một bên là Quốc hội Việt Nam, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS), Khoa Luật trường Đại học Quốc gia Hà Nội và trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và một bên là Nghị viện Đan Mạch, Cơ quan Ombudsman Đan Mạch và Viện nghiên cứu quyền con người Đan Mạch.

Các hoạt động của trụ cột Quản trị Nhà nước sẽ tập trung vào thiết lập mối quan hệ đối tác giữa hai quốc hội, hỗ trợ phát triển cơ quan chuyên trách khiếu nại của Quốc hội, thiết lập một hệ thống nghiên cứu giáo dục quyền con người và trung tâm nghiên cứu quyền con người tại hai trường đại học.

Chương trình Quản trị Nhà nước và Cải cách Hành chính sẽ kéo dài trong bốn năm từ 2008 đến 2011 và có ngân sách 70 triệu Ku-ron Đan Mạch (tương đương 12.7 triệu USD)

Đến 2010 hỗ trợ của Đan Mạch sẽ bao gồm hỗ trợ cải cách hành chính tại tỉnh Đắc Lắc, lúc ấy giai đoạn thứ hai của dự án CCHC sẽ kết thúc.

Hỗ trợ CCHC tại tỉnh Đắc Lắc bắt đầu năm 1997 và hiện đang phân cấp các quyết định hành chính; gia tăng dịch vụ của các đơn vị công cộng; cải thiện và phân cấp quản lý tài chính.

Hỗ trợ cải cách pháp luật và tư pháp tại Việt Nam

Đan Mạch đã hỗ trợ lĩnh vực pháp luật ở Việt Nam (thông qua UNDP) từ năm 1997 với các đối tác chính là Văn Phòng Quốc Hội (VPQH), Toà Án Nhân Dân Tối Cao và Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao .

Từ năm 2001, sự hỗ trợ này được tiếp tục dưới hình thức chương trình hợp tác song phương cho các cơ quan nói trên, và đến cuối năm 2005 thì giai đoạn 3 cũng là giai đoạn hiện tại của chương trình đã được bắt đầu và lúc đó có thêm Bộ Tư Pháp là một đối tác mới.

Mục tiêu tổng quát của chương trình Chương trình hiện nay (2005-2009) hỗ trợ Bộ Tư pháp (do Đan Mạch và Thuỵ Điển đồng tài trợ) là tăng cường sự tiếp cận công lý thông qua việc thúc đẩy nhà nước pháp quyền, quản trị nhà nước hiệu quả, dân chủ hoá, bảo vệ quyền con người và những quyền lợi pháp lý và tạo điều kiện cho công chúng tham gia.

Mục tiêu cụ thể là nhằm tăng cường sự tiếp cận công lý thông qua sự tham gia của công chúng vào việc lập pháp, thông qua việc cải thiện hoạt động của toà án và viện kiểm sát và thông qua việc tăng cường sử dụng các luật sư chuyên nghiệp hành nghề cả trong cả hai lĩnh vực dân sự và hình sự.

Các hoạt động chính của 4 hợp phần như sau:

1. Văn Phòng Quốc Hội:

Hỗ trợ việc tổ chức của các uỷ ban của quốc hội, các hoạt động tập huấn cho cán bộ VPQH và đại biểu quốc hội, bao gồm đào tạo thạc sĩ và đào tạo tiếng Anh cho các cán bộ VPQH đã được tuyển chọn, tập huấn về bình đẳng giới, và cung cấp trang thiết bị tin học và cơ sở dữ liệu cho các văn phòng cấp tỉnh của Quốc Hội.

2. Toà Án Nhân Dân Tối Cao:

Hỗ trợ nhằm thiết lập một hệ thống công bố các phán quyết của toà án, hỗ trợ công nghệ thông tin cho quản lý việc tố tụng và thống kê tội phạm, hỗ trợ công nghệ thông tin cho ba tỉnh thí điểm bao gồm tất cả các toà án cấp huyện. Các hoạt động tập huấn bao gồm việc thiết lập cơ sở vật chất tập huấn Toà Án Mô Phỏng, đào tạo thạc sĩ và tập huấn tiếng Anh cho cán bộ toà án, và các hoạt động xúc tiến bình đẳng giới trong hệ thống toà án.

3. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao:

Cung cấp một hệ thống trong toàn quốc về quản lý việc tố tụng và thống kê tội phạm, hỗ trợ nghiên cứu tội phạm học, tập huấn cán bộ Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao về các vấn đề pháp lý bao gồm tập huấn liên quan đến hướng dẫn và thực hiện giam giữ, đào tạo thạc sĩ và tập huấn tiếng Anh và tập huấn bình đẳng giới.

4. Bộ Tư pháp:

Hỗ trợ thành lập Hiệp hội luật sư toàn quốc, các khoá tập huấn cho luật sư, bao gồm tập huấn bình đẳng giới, hỗ trợ việc phát triển khung pháp lý cho các luật sư đang hành nghề, và hỗ trợ việc xây dựng một chiến lược phát triển dài hạn cho nghề nghiệp của luật sư Việt Nam.

(nguồn: Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam)

 ______________________________________

Bài viết có liên quan:

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên tiếp đoàn cán bộ cao cấp của Tổng vụ đối ngoại thuộc Uỷ ban Châu Âu (EC)