Năm 2009, tập trung kiếm tra các văn bản quy phạm pháp luật gây nhiều bức xúc trong dư luận

13/02/2009
Bộ Tư pháp sẽ tập trung kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thuộc các lĩnh vực đang gây nhiều bức xúc trong dư luận như: đất đai, xây dựng, môi trường, an toàn lao động; an toàn thực phẩm; tổ chức, biên chế... Đây là một trong những nội dung trong Kế hoạch công tác năm 2009 của Cục Kiểm tra văn bản QPPL vừa được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng phê duyệt.

Theo Kế hoạch này, Cục sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ lựa chọn và tổ chức kiểm tra văn bản tại một số Bộ, ngành và địa phương có số lượng văn bản ban hành lớn hoặc những lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL cũng là một nhiệm vụ quan trọng của Cục trong năm nay. Trong đó phải kể đến nhiệm vụ xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 135/2003/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản QPPL (dự kiến trình Chính phủ vào tháng 06 tới); phối hợp với Vụ Pháp chế Bộ Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan trao đổi, thảo luận và thống nhất các nội dung để sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 158/2007/TTLT-BTC-BTP về kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL cho phù hợp với tình hình mới.

Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý văn bản, Cục tập trung vào nhiệm vụ giúp Bộ trưởng đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL của Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thuộc Bộ; hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản tại Bộ, ngành và địa phương.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008: “Văn bản QPPL phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra theo quy định của pháp luật. Việc giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành nhằm phát hiện những nội dung sai trái hoặc không còn phù hợp để kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xác định trách nhiệm của cơ quan, cá nhân đã ban hành văn bản sai trái.” (Điều 87).

Nội dung giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, gồm: Sự phù hợp của văn bản với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; sự phù hợp của hình thức văn bản với nội dung của văn bản đó; sự phù hợp của nội dung văn bản với thẩm quyền của cơ quan ban hành văn bản. (Điều 88).

Nguyễn Đình Thơ