Xây dựng Luật Phổ biến giáo dục pháp luật: “Cần có biện pháp bảo đảm thực hiện”

19/02/2009
Xây dựng Luật Phổ biến giáo dục pháp luật: “Cần có biện pháp bảo đảm thực hiện”
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Trưởng ban soạn thảo Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo và tổ biên tập dự án luật nói trên được tổ chức hôm qua 18/2 tại Hà Nội.

Tại phiên họp, những vấn đề cơ bản nhất trong xây dựng, hình thành Dự thảo Luật đã được các thành viên “mổ xẻ” đến nơi đến chốn. Bắt đầu từ khái niệm, ông Đinh Ngọc Vượng – Viện Nhà nước và pháp luật cho rằng: cần khu biệt các khái niệm như thế nào là phổ biến, thế nào là giáo dục, tuyên truyền pháp luật vì bản chất của chúng là khác nhau. Ông Vượng lấy ví dụ: 80% dân số của chúng ta sống ở nông thôn, họ cần những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của họ. Chúng ta không cần phải đem Luật Thuế thu nhập cá nhân về đó phổ biến mà chỉ cần tuyên truyền cho họ biết là được.

Bà Dương Thanh Mai, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp thì lưu ý: qua đề cương Luật PBGDPL cho thấy PBGDPL dường như đang bó hẹp lại trong phạm vi phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật. Người dân không chỉ cần có thế. Thông tin pháp luật phải là thông tin đa chiều, thông tin về đời sống pháp luật, việc thực thi pháp luật trên thực tế. Bà Mai cũng cho rằng: phải làm rõ nguyên tắc xử lý của Luật PBGDPL với các Luật liên quan như Luật dạy nghề, Luật Giáo dục, Luật tổ chức Toà án, Viện kiểm sát..và đặc biệt là Luật Tiếp cận thông tin (cũng đang được Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo –PV). Cái nào là Luật chung, cái nào là Luật chuyên ngành. Thời gian qua – bà Mai đánh giá – chúng ta đã thành công trong việc đưa môn học giáo dục công dân vào hệ thống các trường phổ thông. Đó là một biện pháp PBGDPL rất hiệu quả nhưng chúng ta lại không thành công trong việc xây dựng một đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp. Xây dựng Luật PBGDPL có giải quyết được các vấn đề đó không?

Cùng với việc đưa ra những vấn đề chung nhất, các thành viên Ban soạn thảo và tổ biên tập cũng đã có những đóng góp vào các vấn đề cụ thể. Về người thực hiện PBGDPL, bà Hoàng Phương Hoa – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Uỷ ban dân tộc cho rằng, cần bổ sung thêm đối tượng là các già làng, trưởng bản. Đối với những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì sử dụng đội ngũ cán bộ tư pháp chưa hẳn đã hiệu quả vì họ không hiểu nhiều về phong tục tập quán, về ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào, trong khi các già làng, trưởng bản lại rất có lợi thế về vấn đề này.

Cũng về người thực hiện PBGDPL, rất nhiều ý kiến băn khoăn có nên đưa các đại biểu quốc hội, thẩm phán toà án, kiểm sát viên, kể cả phóng viên, biên tập viên các báo, đài vào Dự thảo? Ông Nguyễn Khánh Hoàn, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính phân tích: bản thân đại biểu Quốc hội khi thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của họ (ví dụ đi tiếp xúc cử tri) đã là PBGDPL. Các thẩm phán. Kiểm sát viên thông qua hoạt động xét xử đặc biệt là xét xử lưu động cũng là PBGDPL. Đó là nhiệm vụ thường ngày của họ do vậy không nên đưa vào quy định về người thực hiện PBGDPL. Cùng chung ý kiến, ông Đinh Ngọc Vượng cho rằng, nếu đưa các đối tượng nêu trên vào người thực hiện PBGDPL thì họ phải được hưởng thù lao từ Quỹ PBGDPL. Có thể kham nổi không?

Về các hình thức PBGDPL, bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp cho rằng: không nên liệt kê các hình thức PBGDPL vì đó là quy trình mang tính nghiệp vụ. Nếu có chỉ liệt kê những hình thức mà nhà nước khuyến khích nhằm tạo động lực cho công tác này ở cơ sở.

Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban soạn thảo nhấn mạnh: cần đưa biện pháp bảo đảm ngân sách vào Dự thảo Luật để tạo chuyển biến thực sự trong công tác PBGDPL. Bộ trưởng nêu thực tế thời gian qua ở địa phương nào có tiềm lực tài chính thì hăng hái, còn địa phương nào nghèo, nhất là những nơi ngân sách TW cấp thì không có cả mục chi cho công tác PBGDPL. Điều này ảnh hướng tới hoạt động PBGDPL nói chung. Sự nghiệp PBGDPL là của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, Nhà nước là nòng cốt. Do đó phải sớm hình thành, nhất quán về chính sách. Bộ trưởng cũng lưu ý một số vấn đề liên quan đến Quỹ PBGDPL, đến vai trò của ngành Giáo dục, của các cơ quan báo chí…trong công tác PBGDPL. Trên cơ sở đó, làm rõ các vấn đề này trong Dự thảo Luật PBGDPL.

Bình An