Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo khoa học về: "Quản lý thi hành án - các mô hình và kinh nghiệm quốc tế"

05/12/2008
Để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc tiến hành nghiên cứu, xây dựng Đề án "Về việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án" theo Chương trình số 06-CTr/CCTP ngày 19/9/2007 của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, vừa qua trong hai ngày 02 và 03 tháng 12 năm 2008 tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Dự án UNDP và các Bộ, ngành ở Trung ương có liên quan, đại diện Lãnh đạo một số cơ quan thi hành án dân sự ở địa phương tổ chức Hội thảo khoa học "Quản lý thi hành án - các mô hình và kinh nghiệm quốc tế".

Các tham luận tại hội thảo đã tập trung đề cập, làm rõ những vấn đề như quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về thống nhất công tác quản lý thi hành án và những vấn đề có tính định hướng trong quá trình triển khai; các mô hình quản lý công tác thi hành án trên thế giới hiện nay và xu hướng phát triển trong thời gian tới; hệ thống quản lý công tác thi hành án dân sự và hình sự ở Trung Quốc; khái quát lịch sử các quy định của pháp luật về công tác quản lý thi hành án ở Việt Nam từ năm 1945 đến nay; pháp luật hiện hành về công tác quản lý thi hành án ở Việt Nam; kinh nghiệm so sánh về quản lý thống nhất công tác thi hành án; hình thành hệ thống nhà tù hiện đại tại Nhật Bản: kinh nghiệm của thời kỳ Minh Trị (1858-1908) và công tác quản lý nhà tù hiện nay, v.v...

Qua nội dung được trình bày tại các tham luận và những nội dung mở rộng khác liên quan đến thi hành án mà các chuyên gia của Dự án UNDP đã phân tích thêm để trao đổi, làm rõ những vấn đề cả về lý luận và thực tiễn về công tác thi hành án mà phía các đại biểu Việt Nam quan tâm, Hội thảo đã đưa ra một bức tranh tổng quan về mô hình tổ chức thi hành án ở một số nước trên thế giới như Anh, Nhật Bản, Trung Quốc... kinh nghiệm của những nước đã chuyển giao công tác thi hành án hình sự sang Bộ Tư pháp quản lý đã được thực hiện từ rất lâu như ở Nhật Bản (105 năm), Trung Quốc 25 năm và gần đây nhất là ở Anh 18 tháng; lý do của việc chuyển giao công tác thi hành án hình sự từ Bộ Công an và các Bộ, ngành khác sang cho Bộ Tư pháp quản lý; vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa Bộ Tư pháp với Bộ Công an và các Bộ, ngành khác có liên quan trong công tác quản lý thi hành án, v.v...

Hội thảo đã thu được nhiều kết quả quan trọng từ kinh nghiệm quản lý thi hành án, mô hình tổ chức thi hành án của các nước trên thế giới và nhận diện được những điều kiện cần thiết ban đầu về pháp luật, tổ chức, cơ sở vật chất kỹ thuật... giúp cho việc tiến hành nghiên cứu, xây dựng Đề án "Về việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án" ở Việt Nam được thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới./.

Nguyễn Văn Nghĩa - Cục THADS - BTP