Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường tiếp Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam: Tăng cường tư vấn chính sách cho các nội dung ưu tiên về cải cách pháp luật và tư pháp

02/12/2008
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường  tiếp Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam: Tăng cường tư vấn chính sách cho các nội dung ưu tiên về cải cách pháp luật và tư pháp
Chiều ngày 01/12/2008, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã tiếp Ông John Hendra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam nhằm trao đổi những định hướng về hợp tác pháp luật và tư pháp trong giai đoạn tới. Đây là một trong chuỗi các buổi thảo luận của ông Hendra với lãnh đạo các cơ quan pháp luật và tư pháp nhằm cụ thể hoá chính sách ưu tiên hỗ trợ Việt Nam cải cách tư pháp, đã được người đại diện của Liên hợp quốc khẳng định tại buổi tiếp kiến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ngày 28/11 trước đó.

Tham dự buổi tiếp, về phía Bộ Tư pháp, có các đồng chí lãnh đạo và chuyên viên các Vụ Hợp tác quốc tế, Pháp luật Hình sự - hành chính, Bổ trợ tư pháp, Phổ biến giáo dục pháp luật và Viện khoa học pháp lý; về phía Văn phòng Liên hợp quốc có Quyền Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc – Ông Chistophe Bahuet; Chuyên gia tư vấn chính sách của UNDP và một số cán bộ của Văn phòng UNDP tại Việt Nam.

Thay mặt Bộ Tư pháp Việt Nam, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhiệt liệt chào mừng Ông Hendra lần thứ hai trong năm nay tới làm việc tại Bộ Tư pháp; coi đó là một sự quan tâm đặc biệt, một bước quan trọng nhằm đưa quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt nam và LHQ đi vào chiều sâu thiết thực và hiệu quả. 

Hai bên đánh giá cao việc Bộ Tư pháp và UNDP phối hợp đồng tổ chức thành công Diễn đàn đối tác pháp luật vào tháng 10.2008 vừa qua. Ông Hendra khẳng định, kết quả và ý nghĩa của Diễn đàn đã vượt qua ngoài dự kiến của UNDP và các nhà tài trợ. Diễn đàn đã thực sự thúc đẩy đối thoại chính sách giữa các cơ quan, tổ chức Việt Nam với các đối tác tài trợ về những lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Hai bên nhất trí các kết quả đã được thảo luận và thống nhất tại Diễn đàn sẽ được hai bên nghiên cứu thể hiện trong Văn kiện Dự án hợp tác mới.

Với sự ra đời của Nghị định 78/2008/NĐ-CP ngày 17/7/2008 của Chính phủ về quản lý hợp tác pháp luật với nước ngoài (Nghị định 78), Diễn đàn đối tác pháp luật đã được công nhận và chính thức trở thành một thiết chế thường niên trong đối thoại phát triển của Việt Nam nói chung và cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam nói riêng. Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng nhấn mạnh vai trò của Bộ Tư pháp trong việc điều phối các hoạt động hợp tác pháp luật, đã được quy định cụ thể tại Nghị định 78/CP . Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục  tổ chức Diễn đàn thường niên, với tính chất là một hoạt động đối thoại và trao đổi cởi mở thường xuyên, góp phần hỗ trợ việc hoạch định chính sách phát triển của Chính phủ Việt Nam cũng như cung cấp thêm thông tin về những cơ hội kinh doanh và đầu tư ngày một mở rộng ở Việt Nam cho cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.  

Trao đổi về vai trò và định hướng hỗ trợ của các tổ chức LHQ tại Việt Nam, ông John Hendra cho biết, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các tổ chức LHQ sẽ xem xét việc định hướng sang tư vấn chính sách và tăng cường năng lực hỗ trợ chính sách đối với Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh quan điểm/ chính sách tối ưu hoá và tối đa hoá sự hỗ trợ tư vấn chính sách mà UNDP đã và đang dành cho Bộ Tư pháp Việt Nam, đặc biệt là trong 6 tháng gần đây, kể từ sau buổi làm việc lần trước của ông với Bộ trưởng Hà Hùng Cường (tháng 3.2008). Ba trong số các lĩnh vực ưu tiên của Bộ Tư pháp được UNDP triển khai tư vấn chính sách trong thời gian qua thực sự là những vấn đề quan trọng và đồng thời là mối quan tâm chung của hai bên (vấn đề soạn thảo Chiến lược phát triển ngành tư pháp; chuyển giao thi hành án hình sự; hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật). Ông Hendra hy vọng trong thời gian tới, ít nhất là cũng trong khoảng thời gian 6 tháng kể từ lần gặp thứ hai này, sẽ có thêm nhiều lĩnh vực ưu tiên của ngành tư pháp được lựa chọn để UNDP hỗ trợ  tư vấn chính sách.

Một trong những điểm quan trọng mà Điều phối viên của Liên hợp quốc muốn chia sẻ trong lần gặp này với Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam là sự hỗ trợ của LHQ trong tương lai đối với lĩnh vực pháp luật và tư pháp thông qua một văn kiện Dự án hợp tác cụ thể giai đoạn 2009 - 2015. Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Ông Hendra nhất trí hai bên cần tăng cường trao đổi, thảo luận về hợp tác pháp luật và tư pháp ở tất cả các cấp, nhằm tăng cường hiểu biết, tìm ra những lĩnh vực và phương thức hợp tác thiết thực và hiệu quả hơn trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Bộ trưởng cũng đề nghị LHQ, mà trước mắt là UNDP, trong khuôn khổ Dự án hợp tác mới, tập trung hỗ trợ những lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như vấn đề 1) tiếp tục hỗ trợ thực hiện các Chiến lược xây dựng pháp luật và cải cách tư pháp; hỗ trợ cụ thể hoá định hướng 2010-2020 của Chiến lược bằng việc đề xuất các văn bản QPPL mới cần được xây dựng bổ sung từ nay cho đến năm 2020; 2) xây dựng và thực thi Chiến lược phát triển ngành Tư pháp trong mối quan hệ tương tác với những yêu cầu mới về vị trí vai trò của ngành tư pháp trong thời kỳ hội nhập; chú trọng việc  kết hợp đồng bộ, hài hoà giữa việc nghiên cứu, dự báo, xây dựng mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cải cách hoàn thiện bộ máy nhà nước nói chung với việc nghiên cứu, dự báo, xây dựng mục tiêu, định hướng phát triển của ngành Tư pháp trong một tổng thể thống nhất; 3) tiếp tục chuẩn hoá quy trình xây dựng ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật; trước hết thực hiện đúng các quy định mới về chất và có yêu cầu cao trong Luật Ban hành VBQPPL mới có hiệu lực từ 01/01/2009 để nâng cao một bước chất lượng xây dựng văn bản, đổi mới tư duy pháp luật, phương pháp xây dựng pháp luật, đảm bảo tính dự báo, tính đáp ứng và thích ứng cao của hệ thống pháp luật, tiến tới tiếp tục bổ sung sửa đổi, nghiên cứu mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật bằng cách hợp nhất hoá Luật ban hành văn bản QPPL của trung ương và địa phương, đồng thời tính đến cả việc điều chỉnh  sang lĩnh vực thi hành pháp luật; gắn kết việc xây dựng và thực thi pháp luật; tăng cường năng lực của Bộ Tư pháp trong việc theo dõi thi hành pháp luật theo Nghị định 93/CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp; 4) hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, trong đó có việc triển khai các Đề án lớn về xây dựng Trường Đại học Luật thành trung tâm trọng điểm quốc gia về đào tạo pháp luật; Đề án xây dựng Học viên tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp; Đề án đào tạo cán bộ trung cấp luật; việc đào tạo các cử nhân luật thông thạo và am hiểu về luật thương mại quốc tế, phục vụ quá trình hội nhập; 5) hỗ trợ nghiên cứu, đề xuất về mặt chính sách một số vấn đề cơ bản như vai trò của Bộ Tư pháp trong xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam: tư pháp hình sự; bổ trợ tư pháp (đặc biệt là chế định bán đấu giá); hành chính tư pháp (hộ tịch, giám định …)).

Ông Hendra bày tỏ sự quan tâm đến các vấn đề hợp tác phát triển và các thách thức Việt Nam đang gặp phải, nhất là trong lĩnh vực cải cách pháp luật và tư pháp. Ông nhất trí cao với những đề xuất hỗ trợ của Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam, hứa sẽ tích cực hỗ trợ nhằm tăng nguồn tài trợ cho Việt Nam, nâng cao hình ảnh các cơ quan Việt Nam và tạo nền tảng cơ bản cho quá trình hợp tác bền vững, lâu dài, đặc biệt là trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Ông Hendra khẳng định đội ngũ LHQ tại Việt Nam đang nỗ lực làm việc với Chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế để có thể hỗ trợ Việt Nam một cách hiệu quả, đầy đủ và phù hợp với những ưu thế của hệ thống LHQ nhằm đạt được Kế hoạch Phát triển Kinh tế-Xã hội, các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ cũng như các nguyên tắc và mục tiêu của Tuyên bố Thiên niên kỷ.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cảm ơn sự ủng hộ thiết thực và lâu dài của LHQ nói chung và UNDP nói riêng, khẳng định Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng và đánh giá cao những tình cảm, sự hỗ trợ và hợp tác quý báu mà các tổ chức của LHQ đã dành cho Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa những chương trình, dự án trợ giúp quốc tế trong lĩnh vực pháp luật để có được nguồn lực tổng hợp giữa nội lực và nguồn lực quốc tế nhằm phát triển toàn diện cải cách pháp luật và tư pháp.  Hai bên nhất trí giao các cán bộ của Bộ Tư pháp và UNDP tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hoá các ý tưởng/ định hướng hợp tác đã được thống nhất tại cuộc gặp này, trình lãnh đạo hai cơ quan phê duyệt trong thời gian sớm nhất. 

Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Điều phối viên thường trú của LHQ John Hendra tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, quyết tâm của Liên hợp quốc nói chung và UNDP nói riêng, các hoạt động, chương trình hợp tác về pháp luật và tư pháp giữa hai bên sẽ phát triển ngày một hiệu quả hơn, đóng góp tích cực vào các mục tiêu chung trong quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa VN và LHQ trong giai đoạn đẩy mạnh hội nhập khu vực và  quốc tế

                       Đặng Hoàng Oanh, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp

____________________________________ 

Các bài viết có liên quan: