Hội thảo sự phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng khu vực phía Bắc

02/12/2008
Hội thảo sự phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng khu vực phía Bắc
Thực hiện Kế hoạch công tác trợ giúp pháp lý năm 2008 đã được lãnh đạo Bộ Tư pháp phê duyệt, Cục Trợ giúp pháp lý đã tổ chức hội thảo sự phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng khu vực phía Bắc tại Phú Thọ ngày 01/12/2008.

Đến dự và chủ trì hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Ngọc Hải. Tham dự hội thảo có lãnh đạo Cục Trợ giúp pháp lý, thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý ở Trung ương và 21 tỉnh, thành khu vực phía Bắc (vắng Vĩnh Phúc).

Hội thảo đã được nghe Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Thọ, thay mặt cho địa phương đăng cai tổ chức hội thảo phát biểu chào mừng. Sau khi nghe đồng chí Cù Thu Anh - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý báo cáo đánh giá sơ kết 01 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/12/2007 của liên ngành Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, nghe một số nội dung cần tập trung thảo luận của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Tạ Thị Minh Lý và nghe tham luận đại diện các ngành (Công an, Kiểm sát, Toà án, Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước) của các địa phương; các đại biểu đã thảo luận về hoạt động phối hợp trong thời gian vừa qua, cụ thể là:

- Về hướng dẫn triển khai các hoạt động tổ chức thực hiện Thông tư: ở hầu hết các địa phương, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt, giới thiệu những nội dung cơ bản và tinh thần của Thông tư liên tịch. Đối tượng tham dự Hội nghị đều là các cán bộ chủ chốt đến từ các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh và cấp huyện (Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân); đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan và người thực hiện trợ giúp pháp lý.

- Về thành lập Hội đồng ở Trung ương và địa phương: ngày 07/3/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 259/QĐ-BTP thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương và Tổ giúp việc cho Hội đồng. Theo Quyết định nêu trên thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp là Chủ tịch Hội đồng, 01 Thứ trưởng Bộ Tư pháp là Phó Chủ tịch Hội đồng. Các thành viên khác của Hội đồng là Thứ trưởng các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính; Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp. Các thành viên của Tổ giúp việc cho Hội đồng là đại diện các cơ quan theo đúng thành phần được quy định tại Thông tư liên tịch. Ở địa phương, hầu hết các Sở Tư pháp đã tham mưu để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra Quyết định thành lập Hội đồng ở địa phương và thành lập Tổ giúp việc cho Hội đồng. Đến nay, qua báo cáo của các địa phương, đã có 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Hội đồng, 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng.

- Về kết quả triển khai thực hiện các nội dung phối hợp: đã có gần 500 Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý được đặt tại các địa điểm tiếp công dân của các cơ quan tiến hành tố tụng. Các cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án cũng đã đặt gần 1500 Hộp tin trợ giúp pháp lý để cấp phát miễn phí tờ gấp pháp luật, mẫu đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý. Nhiều địa phương cũng đã lập danh sách Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư là cộng tác viên của Trung tâm, Chi nhánh để gửi danh sách đến các cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ kèm theo địa chỉ liên lạc để các cơ quan này có thể liên hệ ngay khi cần thiết. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận tham gia tố tụng được giải quyết nhanh chóng và thuận lợi. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã thông báo lịch xét hỏi, lịch xét xử và tạo thuận lợi để người thực hiện trợ giúp pháp lý có thời gian nghiên cứu hồ sơ, tiếp cận đối tượng và tìm hiểu sự thật khách quan của vụ án.

Các đại biểu cho rằng, qua gần 01 năm thực hiện Thông tư liên tịch cho thấy vai trò, vị trí của người thực hiện trợ giúp pháp lý trong tố tụng đã từng bước được khẳng định, không chỉ giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý mà còn phối hợp hỗ trợ các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong một số hoạt động xác minh, cung cấp thông tin, sớm tìm ra sự thật khách quan, toàn diện của vụ án. Với những hoạt động tích cực đó, hoạt động trợ giúp pháp lý đã góp phần quan trọng bảo đảm cho việc xét xử, ra bản án, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế việc khiếu nại, kháng cáo. Tuy nhiên, trong hoạt động phối hợp vẫn còn một số hạn chế, tồn tại sau đây:

- Nhận thức về TGPL nói chung và TGPL trong hoạt động tố tụng nói riêng còn hạn chế, chưa thống nhất, có lúc, có nơi bị xem nhẹ, thậm chí không cộng tác. Một số địa phương vẫn chưa được thật sự quan tâm, chú trọng (chưa kiểm tra, đôn đốc, sự phối hợp chưa thường xuyên, thiếu kịp thời). Vì vậy, vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức chưa sẵn sàng cho người thực hiện TGPL tham gia tố tụng vì e ngại làm chậm tiến độ vụ án, làm lộ bí mật công tác điều tra, phá án hoặc chạy chọt làm sai lệch vụ án. Có nơi chưa sẵn sàng chấp nhận chức danh Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng (Quảng Bình).

- Số lượng vụ việc TGPL được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng còn rất ít so với số lượng án phải giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng và phần lớn chỉ tập trung vào các vụ án hình sự mà chưa thật chú trọng trong các vụ án dân sự, lao động. Số lượng vụ việc do các Trợ giúp viên pháp lý thực hiện chưa nhiều, cá biệt có nơi Trợ giúp viên pháp lý tuy đã được bổ nhiệm nhưng chưa trực tiếp tham gia tố tụng (Phú Thọ, Bình Thuận, Đắk Nông, Hà Tĩnh, Ninh Thuận…).

- Việc cung cấp các quyết định tố tụng và bản sao bản án còn chưa kịp thời, có nơi không thực hiện đặc biệt là các bản án phúc thẩm; chế độ thống kê, báo cáo còn hạn chế, thiếu tiêu chí thống kê số liệu cụ thể đối với các vụ việc TGPL được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng ở từng giai đoạn. Việc cung cấp Bảng Thông tin và đặt bảng này tại các cơ quan tiến hành tố tụng ở nhiều địa phương chưa kịp thời, Bảng in chữ quá nhỏ.

- Một số địa phương chậm thành lập Hội đồng, chậm ban hành Quy chế và Kế hoạch hoạt động của Hội đồng nên việc phối hợp chậm được thực hiện nhất là trong việc giới thiệu đối tượng.

- Việc triển khai công tác TGPL trong hoạt động tố tụng còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí (phần lớn ở các địa phương Sở Tài chính chưa cấp kinh phí thực hiện); kinh phí dành cho tập huấn triển khai Thông tư cũng như dành cho việc giới thiệu người thuộc diện TGPL và cung cấp thông tin, hướng dẫn, giải thích, giới thiệu họ đến với tổ chức TGPL rất hạn hẹp, lấy từ nguồn kinh phí hành chính.

Để hoạt động phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tốt hơn, các đại biểu có một số đề xuất, kiến nghị:

- Hoàn thiện các quy định pháp luật về tố tụng tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để các Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên chủ động, tích cực tham gia tố tụng. Sớm nghiên cứu, đề xuất, bổ sung các quy định về trợ giúp pháp lý trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính để tạo thuận lợi cho các Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng.

- Sở Tư pháp cần chủ động phối hợp và sớm mời các cơ quan tiến hành tố tụng họp để kịp thời thành lập Hội đồng cấp tỉnh và Tổ giúp việc cho Hội đồng; sớm ban hành Quy chế, Chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng để thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phối hợp, bảo đảm hoạt động của Hội đồng thật sự chất lượng, hiệu quả.

- Tăng cường phối hợp, thông tin về TGPL đến với người được TGPL cũng như phối hợp triển khai thực hiện các vụ việc TGPL, tạo thuận lợi nhất để người thực hiện TGPL, người tiến hành tố tụng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Cục Trợ giúp pháp lý và các Trung tâm trợ giúp pháp lý cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên TGPL nhằm nâng cao chất lượng tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên.

- Bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất cho việc duy trì, thực hiện các hoạt động phối hợp TGPL trong tố tụng, bảo đảm có đủ điều kiện để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra của từng ngành, đặc biệt là trong công tác thông tin về TGPL đến với nhân dân; bảo đảm để Hội đồng ở Trung ương và Hội đồng ở từng địa phương có đủ điều kiện hoạt động, thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Thường xuyên thực hiện việc sơ kết, tổng kết, tổng hợp kết quả phối hợp, trao đổi trực tiếp hoặc bằng văn bản theo định kỳ hàng quý để kịp thời nắm bắt tình hình phối hợp hoạt động TGPL trong tố tụng, xử lý kịp thời những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện Thông tư.

                                         Vũ Hồng Anh - Cục Trợ giúp pháp lý