Nâng cao chất lượng thẩm định của Bộ Tư pháp: Nên thành lập hội đồng thẩm định "cứng"

02/12/2008
Hôm qua (1/12), Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định đề án “Nâng cao chất lượng của Bộ Tư pháp đối với việc thẩm định dự án, dự thảo văn bản qui phạm pháp luật (VBQPPL) và dự thảo điều ước quốc tế (ĐUQT)”.

Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Dương Thanh Mai cho biết, đề án được xây dựng nhằm giải quyết những bất cập về thể chế, tổ chức hoạt động thẩm định của Bộ Tư pháp và điều kiện bảo đảm cho công tác thẩm định thời gian qua. Với việc đề xuất các giải pháp cụ thể, mang tính khả thi để nâng cao chất lượng thẩm định, đảm bảo chất lượng văn bản và tính thống nhất trong qui trình thẩm định của Bộ Tư pháp, đề án này sẽ góp phần đáp ứng các yêu cầu mới đối với công tác thẩm định của Bộ Tư pháp, đặc biệt là sau khi Luật Ban hành VBQPPL có hiệu lực (1/1/2009).

Thực tế, một trong những vấn đề đang hạn chế hiệu quả công tác thẩm định VBQPPL là việc thành lập Hội đồng thẩm định (vì yếu tố thời gian). Do vậy, đề án đã đề xuất một thiết chế mới tham gia công tác thẩm định là Ban Tư vấn (gồm các chuyên gia trong và ngoài Bộ Tư pháp), được thành lập theo từng vụ việc. Ý kiến của Ban Tư vấn có giá trị tham khảo và là “nguồn” cho Hội đồng thẩm định các VBQPPL để đảm bảo tính chủ động và thời gian thẩm định đối với VBQPPL. Do đó, các thành viên hội đồng thẩm định đề án đề nghị, nên thành lập những hội đồng thẩm định VBQPPL “cứng” gồm 1 số thành phần bắt buộc, ngoài ra sẽ mời thêm các chuyên gia (trong Ban Tư vấn) tùy từng trường hợp cụ thể.

Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên hy vọng, đề án sẽ góp phần rút ngắn tối đa thời gian chuyển hồ sơ đến đơn vị thẩm định để tăng tối đa thời gian cho đơn vị thẩm định. Bên cạnh việc tôn trọng ý kiến chuyên môn của chuyên viên và đơn vị thẩm định, đề án phải đảm bảo tính “mở” trong cơ chế phối hợp của các đơn vị liên quan khi thực hiện thẩm định VBQPPL. Ngoài ra, Thứ trưởng cho rằng, kết quả thẩm định phải rõ ràng, có căn cứ, thể hiện rõ quan điểm của Bộ Tư pháp, phải phát hiện được những đổi mới trong VBQPPL cần thẩm định và đưa ra kết luận cụ thể, không chung chung như hiện nay để các báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp có hiệu quả./.

H.Giang