Toạ đàm Pháp luật đăng ký bất động sản Việt Nam - Nhật Bản

01/12/2008
Ngày 25 tháng 11 năm 2008, tại Hội trường số 4, trụ sở Bộ Tư pháp, trong khuôn khổ hoạt động hợp tác giữa Jica và Bộ Tư pháp, toạ đàm “pháp luật đăng ký bất động sản Việt Nam - Nhật Bản” đã được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực đăng ký bất động sản đến từ Nhật Bản (các luật sư SHIHO-SHOSHI), đại diện của các Bộ, ban, ngành… Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thuý Hiền đã tham dự và phát biểu khai mạc toạ đàm.

Sau khi ông Trần Đông Tùng – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm trình bày báo cáo dẫn đề toạ đàm pháp luật về đăng ký bất động sản, chuyên gia Nhật Bản đã trình bày ý nghĩa của việc đăng ký bất động sản cũng như việc ban hành luật đăng ký bất động sản. Ở Nhật Bản, sự cần thiết ban hành luật đăng ký bất động sản bắt nguồn từ chính bối cảnh lịch sử của Nhật Bản, do sự thay đổi về chế độ sở hữu về đất đai, bắt đầu từ tại thời Minh trị duy tân. Việc ban hành luật này là nhằm các mục đích cơ bản sau: để bảo vệ quyền của người dân, tạo điều kiện cho quản lý nhà nước về lĩnh vực bất động sản tốt hơn, để công khai thông tin về bất động sản và để thu thuế. Hiệu quả từ việc có luật đăng ký bất động sản thể hiện ở những điểm cơ bản sau: trước hết nó góp phần bảo đảm an toàn trong giao dịch về bất động sản, từ đó dễ dàng thu hút được đầu tư và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Nếu có chế độ đăng ký rõ ràng dẫn đến thông tin về bất động sản được công khai sẽ hạn chế, ngăn ngừa tranh chấp xảy ra. Nếu có được chế độ đăng ký nhanh chóng, thuận tiện, đơn giản thì sẽ nâng cao được tính chủ động, tự giác của người dân trong thực hiện việc đăng ký bất động sản. Từ những mục đích và ý nghĩa trên mà luật đăng ký bất động sản của Nhật Bản được ban hành khá sớm và hiện nay Nhật Bản có hệ thống đăng ký bất động sản tương đối phát triển. Còn ở Việt Nam, sự cần thiết ban hành đạo luật này vẫn còn là vấn đề cần được thảo luận. Đa số các Bộ, ban, ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng việc ban hành đạo luật là cần thiết, song thời điểm ban hành đạo luật là thời điểm nào?

Trình bày tham luận tại toạ đàm, TS. Nguyễn Quang Tuyến - Tổ phó bộ môn Luật Đất đai của trường Đại học Luật Hà Nội, một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đất đai hoàn toàn tán thành với những mục đích, ý nghĩa của việc ban hành luật đăng ký bất động sản mà chuyên gia Nhật Bản đã nêu trên. Ông khẳng định thêm việc người dân đi đăng ký trước hết khẳng định quyền của mình đối với bất động sản, tuyên bố với công chúng về quyền của mình đối với bất động sản. Đăng ký bất động sản chính là sự bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch liên quan đến bất động sản.

Ông Đỗ Đức Đôi – Giám đốc Trung tâm lưu trữ và thông tin đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường nêu vấn đề thực tế tại một số địa phương chúng ta vẫn thực hiện việc đăng ký bất động sản tập trung thống nhất, vậy tại sao  chúng ta lại không cho “nó” một hành lang pháp lý thống nhất cho sự hoạt động của “nó”? Theo ông, chúng ta cần phải có Luật Đăng ký bất động sản để khắc phục những chồng chéo hiện tại trong quy định của pháp luật hiện hành về đăng ký bất động sản.

Theo chuyên gia Nhật Bản, đăng ký bất động sản là một loại hình dịch vụ công, theo đó nó không chịu sự điều chỉnh của quan hệ hành chính nhà nước. Còn ở Việt Nam, xây dựng mô hình cơ quan đăng ký mang tính chất như thế nào?  

Ông Ngô Trọng Khang – Giám đốc Văn phòng đăng ký đất và nhà Hà Nội cho rằng Luật đăng ký bất động sản cần phải tách bạch được tính chất hành chính và tính chất dịch vụ, tức tách bạch giữa việc đăng ký lần đầu và đăng ký biến động. Đăng ký lần đầu (tức là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà) thuộc về chức năng của Uỷ ban nhân dân, còn đăng ký biến động là chức năng của Văn phòng đăng ký bất động sản. Thực tế tại Hà Nội, sau khi hợp nhất cơ quan địa chính và cơ quan đất đai thì hiệu quả của việc cấp giấy chứng nhận tăng cao, đã thực hiện được 90%  việc cấp giấy chứng nhận. Do đó, việc thay đổi mô hình đăng ký bất động sản, thống nhất mô hình đăng ký là hết sức cần thiết cho việc nâng cao hiệu quả của hoạt động đăng ký.

Ông Vũ Mạnh Cường - trưởng phòng quản lý nhà, Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng tán thành việc thống nhất mô hình đăng ký bất động sản, đăng ký tập trung tất cả các loại bất động sản tại một cơ quan. Song ông lại cho rằng cần phải thống nhất cả cơ quan cấp giấy (tức đăng ký lần đầu và đăng ký biến động đều được thực hiện tại một cơ quan) thì mới tránh được sự chia cắt của mô hình cơ quan đăng ký.

Bàn về thực tiễn giải quyết tranh chấp bất động sản, TS. Nguyễn Văn Cường - Viện Khoa học xét xử, Toà án nhân dân tối cao đã nêu lên một số nhận xét trong giải quyết tranh chấp về bất động sản và đưa ra một số kiến nghị dưới góc độ cá nhân, trong đó ông cũng khẳng định cần thống nhất các quy định về bất động sản và ban hành luật đăng ký bất động sản trong thời gian sớm nhất.

Sau những bình luận của chuyên gia Nhật Bản và trao đổi, thảo luận giữa các đại biểu tham dự toạ đàm, toạ đàm đã kết thúc tốt đẹp vào 17h cùng ngày.

Ngọc Phượng - CDK