Hòa giải ở cơ sở và tủ sách pháp luật: Một thập kỷ khẳng định vị thế

04/12/2008
Trong 2 ngày (4-5/12), tại Ninh Bình, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở (HGCS), 10 năm thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn đối với các tỉnh, thành phố trực TƯ ở miền Bắc.

Hòa giải ở cơ sở

Nhận thức rõ vị trí, vai trò và ý nghĩa to lớn của công tác HGCS nên Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác này, luôn coi việc khuyến khích, tăng cường công tác hoà giải là một chủ trương nhất quán trong quản lý xã hội. Từ khi Pháp lệnh về hoà giải được ban hành, công tác quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động HGCS đi vào nề nếp, tạo điều kiện để tổ chức và hoạt động của Tổ hoà giải ngày càng phát triển, khẳng định vị trí, vai trò không thể thiếu được của công tác hoà giải trong đời sống xã hội.

Bước đầu có hơn 10 tỉnh, thành phố thực hiện chi thù lao cho hoà giải viên trên phạm vi toàn tỉnh. TP.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Lai Châu, Nghệ An, Đăk Nông, Quảng Ngãi, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu… có kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên của Tổ hoà giải. Tuy sự đầu tư về kinh phí và cơ sở vật chất cho công tác hoà giải còn hạn chế nhưng đã cổ vũ, động viên, khích lệ rất lớn đối với những người làm công tác HGCS.

Bộ Tư pháp đã biên soạn nhiều tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cho hoà giải viên, đặc biệt là Bộ tài liệu tập huấn về công tác hoà giải thống nhất trên cả nước – được các địa phương đánh giá là Bộ tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ có giá trị. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng mở nhiều khoá tập huấn cho cán bộ tư pháp cấp tỉnh, tạo nguồn tập huấn viên về công tác hoà giải cho các địa phương. Theo báo cáo, 100% các tỉnh, thành phố trong cả nước đều biên soạn và phát hành nghìn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật (dưới hình thức sổ tay, cẩm nang, tờ gấp, băng đĩa…) cung cấp cho các Tổ hoà giải và hoà giải viên.

Trong 10 năm qua, Bộ Tư pháp phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương phát động và tổ chức Hội thi Hoà giải viên giỏi trên phạm vi toàn quốc vào các năm 2000 và 2005, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ cho cán bộ hoà giải. Các tỉnh như Hưng Yên, Bình Dương, An Giang… đã tổ chức 3 lần Hội thi Hoà giải viên giỏi toàn tỉnh, cá biệt như thành phố Hà Nội đã tổ chức 5 lần Hội thi toàn thành phố.

Ngoài ra, để nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ hoà giải viên, các địa phương còn có nhiều cách làm sáng tạo như tổ chức thi tìm hiểu pháp luật cho hoà giải viên (TP.HCM), tổ chức cho các hoà giải viên toạ đàm, trao đổi kinh nghiệm xử lý  những tranh chấp cụ thể phát sinh từ thực tế và giải đáp vướng mắc hoà giải viên nêu ra (Tây Ninh), thực hiện giao ban định kỳ ở các Tổ hoà giải, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ ở khu dân cư (Ninh Thuận), tổ chức cho các hoà giải viên áp dụng kiến thức vừa được tập huấn, sử dụng cẩm nang hoà giải khi giải quyết vụ việc thực tiễn dưới sự hướng dẫn của cán bộ tư pháp (Quảng Bình)…

Tủ sách pháp luật

Đối với việc phát triển, khai thác TSPL, để triển khai thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng TSPL cấp xã đã được thành lập với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, đoàn thể ở TƯ. Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, giúp Chính phủ quản lý nhà nước đối với công tác PBGDPL nói chung và TSPL nói riêng, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động, phối hợp với các bộ, ban, ngành ban hành văn bản hướng dẫn công tác xây dựng, quản lý TSPL chỉ đạo, hướng dẫn việc tăng cường xây dựng, quản lý, nâng cao hiệu quả TSPL cấp xã trên phạm vi cả nước.

Hàng năm, Bộ Tư pháp đã có Công văn hướng dẫn pháp chế các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có nội dung hướng dẫn về công tác TSPL, ban hành Danh mục đầu sách pháp luật mới để các cơ quan, đơn vị, địa phương lựa chọn để đầu tư bổ sung nguồn tài liệu cho TSPL.

Theo Báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 100% các địa phương đã có văn bản bản chỉ đạo, triển khai thực hiện xây dựng TSPL cấp xã, trong đó có 58 địa phương có văn bản của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Ban Chỉ đạo về xây dựng TSPL cấp xã ở địa phương, mà nòng cốt là cơ quan tư pháp đã có nhiều biện pháp chỉ đạo sâu sát, kịp thời đề xuất với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ các giải pháp trong quá trình xây dựng TSPL. Trên cơ sở Chương trình phối hợp số 253/BTP-TSPL, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đã ban hành Kế hoạch liên ngành giữa cơ quan Tư pháp, Văn hoá – Thông tin (trước đây), Bưu chính – Viễn thông và Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng nhằm thực hiện tốt việc luân chuyển sách giữa TSPL cấp xã với TSPL của Bộ đội Biên phòng, Điểm Bưu điện văn hoá xã để nâng cao hiệu quả khai thác TSPL.

Dù còn nhiều hạn chế trong hoạt động HGCS và khai thác TSPL nhưng thực tế 10 năm qua đã góp phần khẳng định vị thế của công tác HGCS và TSPL trong đời sống văn hoá pháp lý của cộng đồng. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp tại hội nghị này, Bộ Tư pháp sẽ có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ cho việc nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật PBGDPL và Dự án Luật hoà giải. Hội nghị tương tự cũng sẽ được tổ chức cho các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ ở miền Nam vào ngày 8-9/12/2008 tại Lâm Đồng./.

Hương Giang

____________________________________ 

Các bài viết có liên quan: