Đoàn kiểm tra liên ngành về trợ giúp pháp lý làm việc tại tỉnh Kon Tum

04/11/2008
Đoàn kiểm tra liên ngành về trợ giúp pháp lý làm việc tại tỉnh Kon Tum
Thực hiện Quyết định số 1772/QĐ-BTP ngày 22/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ngày 30/10/2008 Đoàn kiểm tra liên ngành về trợ giúp pháp lý đã đến làm việc tại tỉnh Kon Tum.

Đoàn kiểm tra liên ngành do Ông Chu Văn Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý làm Trưởng đoàn và các thành viên là Ông Vũ Hồng Tuyến, Bà Đặng Thị Loan - Phó Trưởng phòng thuộc Cục Trợ giúp pháp lý; Ông Hà Văn Sáng - chuyên viên chính, Văn phòng Chính phủ; Ông Vũ Đức Thuận - chuyên viên, Bộ Nội vụ; Bà Nguyễn Thị Thu Hồng - chuyên viên, Bộ Tài chính. Tham gia làm việc với Đoàn có lãnh đạo Sở Tư pháp, đại diện Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính, Nội vụ, lãnh đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước…

Được sự uỷ quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Quyết, Giám đốc Sở Tư pháp đã báo cáo với Đoàn về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, các văn bản hướng dẫn thi hành và kết quả triển khai chính sách trợ giúp pháp lý trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 và Chương trình 135 giai đoạn II của Thủ tướng Chính phủ.

Kon Tum là tỉnh vùng cao, nằm về cực bắc Tây nguyên có diện tích là 9.676,5 km2, chia thành 9 huyện, thị xã; 97 xã, phường, thị trấn (hiện có 48 xã đặc biệt khó khăn tiếp tục được đầu tư theo Chương trình 135 giai đoạn II 2006-2010 của Chính phủ). Dân số Kon Tum gần 400.000 người, 53,4% là đồng bào các dân tộc thiểu số, đông nhất là người Xê Đăng, Ba Na. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao 27%  và khoảng 5.000 gia đình chính sách.

Hiện nay, Trung tâm có 5 biên chế (1 Giám đốc, 1 Phó Giám đốc, 2 chuyên viên, 1 Kế toán kiêm nhiệm). Trung tâm ký hợp đồng với 162 cộng tác viên, thành lập 22 Câu lạc bộ TGPL (10 CLB của Dự án). Triển khai thực hiện Luật TGPL, UBND tỉnh đã bổ nhiệm 3 Trợ giúp viên pháp lý, ban hành Quyết định số 188/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế Trung tâm. Theo Đề án, Trung tâm sẽ thành lập 2 Chi nhánh (huyện Ngọc Hồi, KonPLong), đến năm 2010, Trung tâm được tăng thêm từ 04 đến 06 biên chế. Triển khai Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT, Sở Tư pháp đã có Tờ trình gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành và đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh chấp nhận.

Trong năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008, Trung tâm đã thực hiện trợ giúp pháp lý: 1.486 vụ việc (tư vấn là 1.460, bào chữa là 26). Các vụ việc thực hiện chủ yếu là đi lưu động 1.461 (tổ chức được 36 đợt trợ giúp pháp lý lưu động), tại trụ sở là 25 vụ. Số người được trợ giúp l: 1.427 người, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc: 1.203 người. Trong năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008 được sự nhất trí của lãnh đạo Cục trợ giúp pháp lý và lãnh đạo Sở Tư pháp Trung tâm đã tổ chức 7 đợt tập huấn nghiệp vụ. Để phổ biến tuyên truyền về hoạt động trợ giúp pháp lý, Trung tâm phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện 78 chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc Xê Đăng và BahNar, đặt làm 20 biển quảng cáo giới thiệu về hoạt động trợ giúp pháp lý đặt ở trụ sở Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh, công an 9 huyện, thị; trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân 9 huyện, thị. Biên soạn, in ấn phát hành 2.000 cuốn tài liệu hỏi đáp pháp luật. Về việc tham gia trợ giúp pháp lý: tại Kon Tum có 2 Văn phòng luật sư (Văn phòng luật sư Dung và văn phòng luật sư Văn Hiến) đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Sở Tư pháp thực hiện hoạt động quản lý nhà nước đúng theo quy định của của Luật Luật sư và Luật Trợ giúp pháp đã cấp giấy chứng nhận đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.

Tóm lại, sau gần 2 năm triển khai Luật Trợ giúp pháp lý, với những kết quả đạt được như đã nêu ở trên có thể khẳng định rằng, hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum đều được triển khai thực hiện theo đúng định hướng, chủ trương của Đảng và bước đầu đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo và đối tượng chính sách khi họ có vướng mắc liên quan đến pháp luật. Đặc biệt, thông qua hoạt động này còn giúp các đối tượng nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật và chấp hành pháp luật. Có nhiều trường hợp khi có vướng mắc  tự bản thân đã biết phải làm như thế nào và làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và chỉ đến khi đã thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không đạt được kết quả họ mới tìm đến Trung tâm trợ giúp pháp lý đề nghị tiếp tục được giúp đỡ. Từ đó, hạn chế các khiếu kiện sai trái, vượt cấp góp phần giữ vững trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Bên cạnh những mặt đã đạt được, hoạt động trợ giúp pháp lý ở Kon Tum còn một số hạn chế: như số lượng  vụ việc tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng còn chưa nhiều; chưa thành lập được Hội đồng phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; chưa triển khai thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm, Chi nhánh theo Quyết định 792/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chưa triển khai thực hiện trợ giúp pháp lý (thành lập Câu lạc bộ TGPL) theo Chương trình 135.

Trao đổi với liên ngành ở Kon Tum, đ/c Chu Văn Thịnh, Trưởng đoàn cho rằng: mặc dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng hoạt động trợ giúp pháp lý Kon Tum đã có những kết quả đáng khích lệ, UBND tỉnh đã thực hiện tương đối có hiệu quả Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong thời gian tới, Cục Trợ giúp pháp lý sẽ tham mưu cho Bộ để có thể chia các Trung tâm thành những vùng, miền khác nhau để hướng dẫn nghiệp vụ cho phù hợp (ví dụ: chia để cấp kinh phí Dự án theo từng vùng cho sát với tình hình, thế mạnh từng địa phương). Hiện nay có một số văn bản mới, Đoàn đề nghị Sở Tư pháp chủ động phối hợp với các ngành ở tỉnh để thực hiện ngay, chủ động thành lập Hội đồng phối hợp trong tố tụng và tập huấn về trợ giúp pháp lý cho đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên; phối hợp tích cực với Ban dân tộc của tỉnh sớm triển khai được Chương trình 135 cho các xã nghèo.

Vũ Hồng Anh - Cục Trợ giúp pháp lý