Khai mạc Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW: Vị thế của ngành tư pháp ngày càng được nâng cao

09/10/2008
Khai mạc Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW: Vị thế của ngành tư pháp ngày càng được nâng cao
Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết 49) do Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức đã diễn ra vào sáng 9/10 tại Hà Nội. Đến dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng – Phó Trưởng ban thứ nhất Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ, nguyên Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Hiện và các thành viên trong Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ cùng nhiều đại diện của các Bộ, ngành, địa phương.

Trong bài khai mạc, Bí thư Ban Cán sự - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, việc tổ chức Hội nghị là vừa để khẳng định những kết quả tích cực đã đạt được, ghi nhận những cách làm mới, hiệu quả cần nhân rộng, những khó khăn, hạn chế, yếu kém cần khắc phục vừa để triển khai Nghị quyết 49 trong thời gian tới đúng trọng tâm, trọng điểm và với kết quả cao hơn, đáp ứng niềm tin, lòng mong mỏi và sự kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đang đặt ra cho ngành Tư pháp. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, 3 năm thực hiện Nghị quyết 49 đã mang lại cho ngành nhiều kết quả tích cực như nhận thức về vai trò của cải cách tư pháp đối với hoạt động tư pháp được nâng lên, thể chế của ngành ngày càng được hoàn thiện, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất của cơ quan tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự từ TƯ xuống địa phương từng bước được kiện toàn. Nhờ đó, công tác tư pháp được tiến hành hiệu quả hơn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN cũng như mở rộng và tăng cường năng lực tiếp cận hệ thống pháp luật và tư pháp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên khẳng định, hơn 3 năm qua, vị thế của Bộ Tư pháp nói riêng, của ngành Tư pháp nói chung ngày càng được nâng cao trong tiến trình triển khai thực hiện Nghị quyết 49 và Nghị quyết số 48–NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết 48). Điều này được nhìn nhận, đánh giá bằng rất nhiều đóng góp chủ yếu, quan trọng của ngành Tư pháp vào công cuộc cải cách tư pháp. Cụ thể, Bộ đã kịp thời tham mưu và trực tiếp soạn thảo trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các chỉ thị, nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp. Tất cả các dự án luật, pháp lệnh do Bộ chủ trì bao gồm 14 luật, bộ luật và pháp lệnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khoá XI và khoá XII đều được hoàn thành đúng tiến độ, thể chế hoá đúng đắn định hướng cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49. Các hoạt động bổ trợ tư pháp (luật sư, giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý…) đã đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đặc biệt là chủ trương xã hội hoá. Ngành cũng tập trung vào việc cải cách tổ chức, hoạt động thi hành án ở 2 cấp độ trước mắt và lâu dài… Trong Báo cáo sơ kết, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, vướng mắc của ngành khi thực thi các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết 49 và nêu lên một số bài học kinh nghiệm như phải nâng tầm nhận thức lý luận và năng lực lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng; khơi dậy và duy trì tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, công chức; tăng cường công tác kiểm tra của các cấp uỷ Đảng, giám sát của nhân dân… Theo Thứ trưởng, từ nay đến năm 2011, ngành Tư pháp có 4 định hướng cơ bản, 8 nhiệm vụ chính và hơn 20 giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 49. Thay mặt lãnh đạo Bộ, ngành Tư pháp, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đề nghị Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ xem xét đề xuất với Bộ Chính trị cho phép nghiên cứu, bổ sung Nghị quyết 48 đồng thời với quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020; làm việc với Ban Cán sự Đảng Chính phủ về bổ sung việc xã hội hoá các hoạt động bổ trợ tư pháp vào đối tượng được hưởng ưu đãi của nhà nước theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ; đúc kết kinh nghiệm tốt để xây dựng và hướng dẫn mô hình tổ chức, hoạt động chỉ đạo hiệu quả trong công tác cải cách tư pháp ở các Bộ, ngành, địa phương…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng biểu dương những nỗ lực, cố gắng của toàn ngành Tư pháp trong quá trình đưa Nghị quyết 49 đi vào thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, việc triển khai Nghị quyết 49 của ngành chưa thật đồng đều giữa TƯ và địa phương, giữa các địa phương với nhau. Có hiện tượng Đảng viên, cán bộ tư pháp chưa nhận thức sâu sắc về vai trò của cải cách tư pháp, đôi lúc ngại đổi mới, làm ngơ trước những đòi hỏi chính đáng của dân. Nguồn nhân lực thực hiện cải cách tư pháp còn thiếu, hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Phó Thủ tướng lưu ý, 3 năm qua mới chỉ là bước đầu thực hiện Nghị quyết 49, nhiệm vụ cải cách tư pháp thời gian tới của ngành Tư pháp nói riêng và cả nước nói chung vẫn hết sức nặng nề, đòi hỏi phải hành động quyết liệt, khẩn trương. Thay mặt Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ, Phó Thủ tướng cho biết, sẽ nghiên cứu, xem xét các kiến nghị của Bộ Tư pháp để từ đó lựa chọn đề xuất với Bộ Chính trị.

(Hoàng Thư, ảnh Thành Trung)